Từ năm 2017, học sinh THCS học trung cấp có thể lựa chọn không học văn hóa mà chỉ cần được đào tạo tay nghề. Đây là một trong những điểm mới thu hút học sinh THCS theo học trung cấp trong kỳ tuyển sinh cao đẳng, trung cấp tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Nhiều học sinh lớp 9 học trung cấp
Tại lễ khai giảng năm học 2017-2018 của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên mới đây, TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lần đầu tiên tỉ lệ tuyển sinh trình độ trung cấp của trường đạt 119% với 534 học sinh nhập học (chỉ tiêu tuyển sinh 450 học sinh). Trong khi đó, trình độ cao đẳng nghề chỉ tuyển được 55 sinh viên, đạt 30,5% chỉ tiêu tuyển sinh.
Tương tự, năm học 2017-2018, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tuyển được 1.271 học sinh, sinh viên, đạt 70,6% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp đạt 95% với 950 học sinh; còn trình độ cao đẳng chỉ có 321 sinh viên, đạt hơn 40% chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo các trường, sở dĩ năm nay học sinh lớp 9 tham gia học trung cấp tăng là vì từ năm 2017, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp học sinh tốt nghiệp THCS có thể được lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu: nếu bản thân thấy khó khăn trong học văn hóa và không có nhu cầu liên thông thì được chọn đào tạo tập trung về tay nghề, còn nếu có nguyện vọng liên thông sau này thì có thể chọn chương trình đào tạo vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa; để khi tốt nghiệp vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tương đương tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện liên thông lên các trình độ đào tạo cao hơn.
Em Nguyễn Thanh Phong, học sinh học nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: “Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018, em không đủ điểm để vào trường công lập nên em chọn học nghề điện, vì ngành học này rất dễ tìm việc làm. Em hy vọng sau hơn 2 năm theo học trung cấp nghề em sẽ có được tay nghề vững vàng để hành nghề”. Cũng do bị điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên em Trần Nguyễn Vũ ở huyện Phú Hòa chọn học nghề Hàn tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Vũ cho hay: “Năng lực học văn hóa của em không tốt nên có muốn học lên nữa cũng khó đáp ứng được. Vả lại nếu có cố “trèo” lên đại học chưa chắc đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Vậy nên em chọn học trung cấp nghề để nhanh có cơ hội đi làm, vì nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề của các công ty, doanh nghiệp luôn rất lớn.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội và năng lực người học
Chính sách mới này đã tạo điều kiện cho cả nhà trường và người học, đặc biệt có lợi cho những học sinh học văn hóa khó khăn và có xu hướng học nghề để có thể nhanh chóng ra nghề có việc làm ngay. Phương thức học tập này cũng giúp bạn trẻ vừa học nghề vừa học văn hóa, rút ngắn thời gian, sớm học nghề yêu thích lại tiết kiệm chi phí cho gia đình. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề còn gắn liền với thực tiễn, các ngành học không nặng về lý thuyết, chú trọng thực hành để người học ra trường có thể làm việc ngay, cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Chính từ lợi thế này nên xã hội đang dần quan tâm và đánh giá cao những người học nghề. Qua nhiều kênh thông tin truyền thông, nhiều người đã thấy được lợi ích thiết thực của phương thức học này và đánh giá đúng vai trò, vị trí của các trường nghề. Đây là lý do nhiều học sinh bắt đầu chọn học nghề. Em Lê Thị Thanh Thúy ở phường 3, TP Tuy Hòa chia sẻ: “Em rất thích ngành Quản trị khách sạn nên sau khi học xong lớp 9 em đã thuyết phục ba mẹ cho đăng ký xét tuyển vào ngành học này tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Tại trường này, em vừa học nghề và đăng ký học văn hóa để nuôi dưỡng ước mơ phát triển sau này”.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội và năng lực người học, trong quá trình đào tạo các trường thực hiện theo phương châm lấy người học làm trung tâm, đào tạo gắn liền với thực tế. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cho hay: “Trường đã đưa những mô hình đào tạo tiên tiến, hướng đến chuẩn ASEAN vào trường học. Trường còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập. Thông qua các chuyến thực tập, các em được rèn luyện óc quan sát và khả năng liên tưởng, được trực tiếp làm việc để cọ xát với thực tế. Nhà trường còn cam kết đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp”.
Với 70% số tiết thực hành, các học sinh, sinh viên học tập tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng dễ dàng thích ứng tốt với môi trường làm việc thực tế. “Lo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp là khâu mà nhà trường hết sức chú trọng, quan tâm vì chỉ khi học sinh được đảm bảo đầu ra mới mong tuyển sinh được những khóa mới”, thầy Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo của trường này nói.
Vấn đề đầu ra cho người học rất quan trọng, xuyên suốt trong tổ chức phân luồng học sinh sau THCS. Các trường nếu không làm rõ đầu ra thì về lâu dài sẽ gặp khó. Trường nào mà khâu giải quyết việc làm, đầu ra cho học sinh, sinh viên yếu sẽ khó thu hút người học. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ chế, quy định cùng những vấn đề khác nhưng các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm rất tốt công tác đào tạo cũng như đảm bảo đầu ra cho người học nghề. Đây là điều rất quan trọng để đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau THCS đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng |
THÚY HẰNG