Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo xin ý kiến góp ý Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là dự thảo). Theo đó, các trường đại học buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo của trường… Đây là mục tiêu, giải pháp quan trọng mà Bộ GD-ĐT hướng đến nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của từng cơ sở đào tạo đại học.
Tăng tính khả thi
Theo Th.S Phan Văn Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung về bản chất, dự thảo này không khác nhiều so với Thông tư 09/2009 mà Bộ GD-ĐT ban hành trước đây. Về cấu trúc và nội dung, dự thảo quy định các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm công khai 4 nội dung chính gồm: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; thông tin về cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên; công khai thu chi tài chính. Trong đó, nội dung công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế của dự thảo có một số điểm khác biệt so với Thông tư 09. Đó là có thêm nội dung công khai kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo: công khai kết quả đánh giá ngoài, nghị quyết hội đồng kiểm định và công nhận đạt hay không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Dự thảo cũng quy định việc quy đổi tỉ lệ sinh viên/giảng viên theo 7 khối ngành cụ thể, chứ không tính chung chung như trước đây…
Dự thảo cũng quy định, hình thức công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, cập nhật các thông tin thay đổi đảm bảo tính đầy đủ và kịp thời; có các tài liệu in đầy đủ, được cập nhật thường xuyên tại các khoa, bộ môn, trung tâm, đơn vị trực thuộc cơ sở đào tạo về các nội dung liên quan đến chức năng hoạt động, nhiệm vụ của đơn vị, sẵn sàng phục vụ nhu cầu nghiên cứu của sinh viên, giảng viên và những người quan tâm; phổ biến hoặc phát tài liệu cho sinh viên, cao học viên, nghiên cứu sinh...
Có một điểm mới đáng lưu ý nữa, đó là nếu như Thông tư 09 không có quy định về hình thức xử lý vi phạm thì dự thảo lần này đưa hẳn hàng loạt nội dung xử phạt, như nếu công khai không đầy đủ nội dung, hình thức, thời gian quy định; công khai số liệu sai sự thật; không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo chậm thời gian, báo cáo sai sự thật... có thể bị xem xét tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc đình chỉ tuyển sinh theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh hiện hành.
Theo các trường, Điều 12 của dự thảo về xử phạt vi phạm là phần các trường quan tâm nhiều nhất. Bởi lẽ, tại nhiều trường hiện nay có tỉ lệ lên cả 100 sinh viên/giảng viên. Điều này cho thấy thực tế nguồn giảng viên là thiếu, nhưng việc khai khống, việc các tiến sĩ cho trường này, trường kia mượn tên nhằm hợp thức hóa điều kiện xác định chỉ tiêu để tuyển sinh diễn ra rất phổ biến. Với quy định xử phạt vi phạm lần này, hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ mạnh tay xử lý những trường tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo.
Cơ sở để nâng chất lượng đào tạo
Việc thực hiện ba công khai (công khai cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai tài chính) theo Thông tư 09 được Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện từ năm 2009 nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng và cơ hội hòa nhập thị trường lao động của sinh viên. Sau 8 năm thực hiện ba công khai, công tác đảm bảo chất lượng, cam kết chất lượng tại các trường đại học có nhiều chuyển biến. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho biết: Ngoài công khai minh bạch các điều kiện và đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường trên website nhà trường, trường còn minh bạch chất lượng đào tạo bằng minh chứng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, chuẩn đầu ra trong đào tạo từng ngành của nhà trường. Hiện tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường đạt trên 80%.
Ba công khai không chỉ là cơ sở để các trường thực hiện các điều chỉnh trong chương trình đào tạo, phương thức đánh giá và đảm bảo chất lượng từng ngành nghề với xã hội, mà nó còn giúp các trường có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với thị trường lao động. Tuy nhiên, phải nhìn nhận công tác ba công khai thời gian qua tại không ít trường vẫn còn nặng tính hình thức. Đặc biệt là từ khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cam kết và công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp (một tiêu chí nhỏ trong ba công khai) thì tính hình thức càng rõ hơn. “Chất lượng đào tạo, điều kiện để đảm bảo chất lượng gắn liền với tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên con số mà các trường công bố trong thời gian qua vẫn thiếu sự xác tín. Trường nào cũng công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt từ 80-90%, nhưng thực tế thì con số ấy lại chưa có minh chứng rõ ràng”, một giảng viên Trường đại học Phú Yên nhìn nhận.
Để giảm thiểu sự lãng phí, hệ quả của chính sách đào tạo thiếu khảo sát, chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tế của vùng, địa phương và thị trường lao động, vài năm trở lại đây, các trường đại học, cao đẳng đã và đang đẩy mạnh chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động, thậm chí không ít trường cam kết đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngay khi bắt đầu tuyển sinh. Báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện cả nước đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. Điều đó cho thấy sự chuyển mình rất rõ nét về chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học nước ta. Lộ trình từ năm 2009 đến nay để các trường xây dựng, hoàn thiện “văn hóa công khai” là quá đủ. Vì vậy hơn ai hết, ngoài các trường công khai thật, thì chính Bộ GD-ĐT cũng cần mạnh tay trong việc xử lý những đơn vị vi phạm thực hiện các quy định trong công khai.
THÚY HẰNG