“Nghề nào cũng có những tiêu chuẩn nhất định về đạo đức nghề nghiệp và yếu tố này càng quan trọng hơn với ngành nghề đặc biệt như nghề y. Theo đó, trau dồi y đức là nghiệm vụ hàng đầu đối với người học nghề y”, BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên đã dặn dò như vậy đối với hơn 600 học sinh, sinh viên tại ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp vừa được trường này tổ chức. Theo thầy Ngọc, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thì có thể “chấm điểm” được, còn y đức thì rất mơ hồ, không thể cân đo đong đếm được. Mỗi sinh viên ngành Y không chỉ là một nhà trí thức, mà còn là người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Do đó, đối với sinh viên ngành Y, giỏi y thuật thôi chưa đủ, còn phải có một y đức sáng nữa. Song y đức sáng không phải là một cái gì đó có sẵn cũng không phải chỉ đến khi trở thành người thầy thuốc thực thụ thì mới biết thế nào là y đức. Trái lại, y đức là kết quả của một quá trình học tập, trau dồi và rèn luyện từ khi các em ngồi trên ghế giảng đường và cả trong quá trình làm việc.
Hiện nay, các trường đào tạo y dược trên cả nước đều đưa bộ môn Đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy nhằm góp phần nâng cao nhận thức cũng như điều chỉnh hành vi của sinh viên, góp phần tạo nên một đội ngũ nhân viên y tế đủ đức đủ tài, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Việc đưa môn đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên ngành Y bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao trình độ nhận thức và điều chỉnh hành vi đạo đức của sinh viên. Tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, bài học đầu tiên mà nhà trường truyền đạt cho học sinh, sinh viên ngay khi bước vào năm học mới đó là đạo đức nghề nghiệp do chính thầy hiệu trưởng đứng lớp. Từ bài học đầu tiên này, các sinh viên tích cực tự tu dưỡng, tự rèn luyện theo những nguyên tắc, chuẩn mực về y đức trong suốt quá trình học. Qua đó, số sinh viên đạt kết quả cao trong học tập ngày càng nhiều hơn, sinh viên ngày càng tự giác thực hiện các nội quy, quy chế của nhà trường. Tình trạng bỏ học và vi phạm nội quy, quy chế trong học tập ngày càng giảm. Sinh viên ngành Y đã có những hiểu biết và tham gia tích cực vào các phong trào chính trị - xã hội… Có thể nói, những thành tích đã đạt được qua việc giảng dạy môn đạo đức nghề nghiệp trong các trường y dược đã góp phần đáng kể vào việc cung cấp một nguồn nhân lực tài đức cho ngành Y.
Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, việc giảng dạy môn Đạo đức nghề nghiệp ở các trường thuộc ngành Y hiện nay vẫn tùy thuộc vào mỗi trường. Nguyên nhân là do sách giáo khoa chuẩn và tài liệu phục vụ việc dạy và học môn Đạo đức nghề nghiệp chưa có, giáo trình chủ yếu là do các trường tự biên soạn. Do đó, nội dung các giáo trình chưa thống nhất, không đồng bộ. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập môn Đạo đức nghề nghiệp, cũng như mục tiêu giáo dục y đức cho sinh viên.
Yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh không chỉ là trình độ, năng lực của người thầy thuốc mà còn đòi hỏi y đức của mỗi cán bộ y tế. Thực hiện tốt điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo các trường, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc giảng dạy và học tập môn Đạo đức nghề nghiệp ở các trường thuộc ngành Y, đáp ứng yêu cầu giáo dục y đức cho sinh viên, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần có sự phối hợp để biên soạn một giáo trình môn Đạo đức nghề nghiệp thống nhất trong các trường này. Đồng thời, các giảng viên cũng cần có sự đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy môn học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
MẠNH THÚY