Thủy sản nuôi là nguồn cung cấp protein quan trọng cho con người. Tuy nhiên, nếu phát triển nuôi một cách tự phát, không theo quy hoạch, dùng thuốc kháng sinh bừa bãi sẽ tạo thành mối nguy đối với môi trường sinh thái và an toàn vệ sinh thực phẩm.
![]() |
Công ty TNHH Đài Loan – Việt |
Gần đây, nhiều phương tiện thông tin đã liên tục cảnh báo về dư lượng các chất độc hại có trong sản phẩm thủy sản. Theo các nhà chuyên môn, do người nuôi cá, tôm chưa tuân thủ đúng kỹ thuật, ít quan tâm đến môi trường nên cá tôm mắc bệnh nhiều, buộc người nuôi phải dùng thuốc để phòng trị. Từ tình hình đó, nhiều hộ kinh doanh đã đưa một số loại thuốc bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, có dư lượng chất độc hại cao để bán cho ngư dân nhằm thu lợi cao, làm cho chất lượng thủy sản nuôi không đạt yêu cầu.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để người nuôi thủy sản hạn chế thấp nhất việc dùng kháng sinh trong quá trình nuôi? Muốn vậy, bà con cần thực hiện các điều sau đây:
- Sau mỗi vụ nuôi, dưới đáy ao tồn đọng lớp bùn rất dày do phân tôm, cá và thức ăn dư thừa lắng xuống, trong lớp bùn đó có chứa nhiều chất độc và mầm bệnh. Để vụ nuôi mới đạt hiệu quả cao, cần vét sạch bùn và bón vôi nền đáy, phơi nắng từ 3-5 ngày.
- Nguồn nước lấy vào ao nuôi nên qua ao lắng trước và nguồn nước thải phải qua ao xử lý mới xả ra môi trường bên ngoài, góp phần bảo vệ môi trường nuôi thủy sản bền vững.
- Con giống phải được giám sát và kiểm dịch, đảm bảo khỏe mạnh, sạch bệnh trước khi thả vào ao nuôi, tránh trường hợp một số cơ sở ương giống dùng kháng sinh trong quá trình ương trước khi xuất bán.
- Người nuôi đôi khi không kiểm soát được lượng thức ăn dư thừa ở đáy ao, làm cho môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm và là điều kiện phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, phải kiểm soát thức ăn kỹ thông qua sàng ăn. Khi nuôi thủy sản được 1 tháng tuổi trở lên, nên thường xuyên xử lý đáy ao bằng chế phẩm sinh học với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Trong quá trình nuôi có thể trộn thêm men vi sinh đường ruột vào thức ăn cho cá, tôm sẽ giúp chúng tiêu hóa hết thức ăn, mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế được ít chất thải làm bẩn nền đáy.
- Một trong những vấn đề mà người nuôi cá hết sức quan tâm, đó là sự xuất hiện của tảo trong những giai đoạn cuối kỳ nuôi cá. Nếu tảo phát triển nhiều sẽ làm cho nước trong ao thiếu ôxy, nhất là từ 2-7 giờ sáng, cá thường nổi đầu hoặc tìm nơi dòng chảy để ngốp. Vì vậy, trong quá trình nuôi cá phải duy trì màu nước ao nuôi ổn định bằng cách cho ăn vừa đủ, định kỳ thay nước và dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao.
Tóm lại, trong suốt chu kỳ nuôi, muốn thủy sản khỏe mạnh, người nuôi cần chuẩn bị ao tốt, chọn giống sạch bệnh, đồng cỡ, cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng tốt, thường xuyên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý môi trường nuôi sạch giúp cho thủy sản nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nuôi. Sản phẩm thủy sản sạch được nuôi trong một môi trường không ô nhiễm là đòi hỏi tất yếu của thị trường để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
PHƯƠNG DUNG