Tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn là một trong những khâu quan trọng nhất trong hoạt động dạy và học bộ môn này ở trường THPT. Thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ phát hiện những học sinh năng khiếu, có tố chất đặc biệt, từ đó bồi dưỡng để các em phát triển tốt tài năng.
Từ những trải nghiệm thực tế trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) môn Ngữ văn ở trường THPT, tôi cho rằng để làm tốt công tác tuyển chọn và bồi dưỡng HSG bộ môn này, việc đầu tiên là các thầy cô giáo phải có sự linh hoạt trong tuyển chọn học sinh. Việc tổ chức thi qua đó tuyển chọn học sinh vào đội tuyển HSG là một hoạt động rất quan trọng, đòi hỏi người thầy phải tránh máy móc, cứng nhắc, phụ thuộc quá nhiều vào đáp án. Một HSG Văn thực thụ tuyệt đối không phải là những em học thuộc lòng kiến thức từ sách vở rồi trình bày lại một cách cẩn thận, đúng ý mà phải là những em thực sự có niềm đam mê và sáng tạo trong cách viết. Do đó, khi chấm bài chọn HSG, với những bài tuy so với đáp án chưa đảm bảo hết ý nhưng lại có sự sáng tạo, đột phá trong cách viết thì chúng ta cứ mạnh dạn chọn lựa. Những em này, với niềm đam mê và sức sáng tạo sẵn có, khi được rèn luyện thêm qua quá trình bồi dưỡng thì tin tưởng sẽ có sức bật rất tốt.
Thứ hai, người thầy phải thật sự tâm huyết và có sự đầu tư nghiêm túc. Có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi trong giáo dục là “Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi”. Việc bồi dưỡng HSG môn Ngữ văn cũng không nằm ngoài nguyên tắc ấy. Người thầy giỏi không phải là người thầy nhồi nhét cho học sinh được nhiều kiến thức mà phải là người có khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê để các em say sưa tự học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải bỏ qua sự tự ái cũng như quyền uy của người thầy để cùng chia sẻ, trao đổi và học tập với học sinh. Có những điều thầy không biết mà học sinh biết là chuyện bình thường.
Thứ ba, chuẩn bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng để học sinh có thể xử lý tốt một đề Văn HSG. Chúng ta thường quan niệm rằng để học sinh có thể làm tốt bài thi HSG thì phải chuẩn bị cho các em thật nhiều kiến thức. Điều này là cần thiết, tuy nhiên nếu không có phương pháp khoa học và hợp lý sẽ không mang lại hiệu quả. Với câu hỏi nghị luận văn học, kiến thức đòi hỏi phải mang tính hệ thống, thể hiện thành năng lực khái quát, tổng hợp chứ không phải là kiến thức rời rạc ở từng mảng theo kiểu học thuộc. Cho nên các thầy cô giáo cần chú ý bồi dưỡng năng lực tổng hợp kiến thức cho các em. Với câu hỏi nghị luận xã hội, học sinh phải có hiểu biết xã hội sâu rộng, đồng thời phải có khả năng liên hệ với các vấn đề xã hội đương đại, từ đó có những kiến giải phù hợp từ góc nhìn của mình. Bên cạnh chuẩn bị kiến thức, việc rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em cũng rất cần thiết. Trong những giờ bồi dưỡng HSG, người thầy phải hình thành cho các em những kỹ năng quan trọng như phân tích đề, tổ chức bài văn, cách dùng từ, đặt câu, mở bài, kết bài… Hoặc truyền đạt cho các em những kinh nghiệm để có thể hình thành một bài văn hấp dẫn, độc đáo.
Thứ tư, rèn luyện cho học sinh thói quen và niềm đam mê đọc sách. Thực tế chỉ ra rằng học sinh hiện nay (kể cả HSG) rất lười đọc sách, đa số chỉ chăm chăm vào những điều thầy cô giảng, chờ đến khi kiểm tra thì trình bày lại gần như nguyên vẹn. Ngày càng hiếm những bài văn có tầm được sáng tạo từ khả năng tư duy độc lập của học sinh. Cho nên điều quan trọng là phải làm sao để hình thành cho các em thói quen và niềm đam mê đọc sách. Cần có những hình thức để khuyến khích từ đó dần dần hình thành niềm đam mê đọc sách cho các em như tổ chức làm sổ tay văn học, yêu cầu các em ghi chép những kiến thức hay, cần thiết để dùng cho việc học; chỉ định sách yêu cầu học sinh đọc và viết cảm nhận hoặc hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc qua những blog/facebook học văn…
Người ra, việc chấm và sửa bài cũng vô cùng quan trọng. Nếu như đối với bộ môn Toán, không làm bài tập nhiều sẽ không thể giỏi thì đối với bộ môn Ngữ văn không viết nhiều sẽ không thể giỏi. Do đó, để nâng cao năng lực cho học sinh, các thầy cô giáo cần yêu cầu học sinh viết theo những yêu cầu và những dạng thức khác nhau: viết đoạn tại lớp, viết bài ở nhà… Từ bài viết cụ thể của học sinh, chúng ta nhận xét, góp ý để dần dần nâng cao năng lực viết cho các em.
HỒ TẤN NGUYÊN MINH
(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)