Được triển khai tại Phú Yên từ năm học 2013-2014, chương trình Tiếng Anh mới hệ 10 năm của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được đánh giá có nhiều ưu điểm, giúp học sinh tích hợp để có đủ điều kiện bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để nhân rộng chương trình này hiệu quả, ngành Giáo dục cần bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên lẫn học sinh…
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi, ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm… |
Các trường tích cực triển khai
Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai dạy môn Tiếng Anh chương trình hệ 10 năm của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Từ một lớp thí điểm với 22 học sinh được mở cách đây 4 năm, năm học 2017-2018, trường đã nhân rộng lên 5 lớp với 220 học sinh được học theo chương trình này.
Theo thầy Dương Văn Sáng, Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước, trường chỉ tổ chức 4 lớp dạy tiếng Anh chương trình mới, nhưng năm học này, do nhu cầu của học sinh tăng, nên trường mở thêm 1 lớp nữa. Để được chọn học các lớp tiếng Anh chương trình mới này, học sinh phải trải qua kỳ thi khảo sát chất lượng theo đề thi chung của Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa (trước khi khai giảng năm học).
“Dạy và học tiếng Anh chương trình mới, nội dung và phương pháp rất khác, yêu cầu học sinh và giáo viên có kiến thức, kỹ năng cao hơn nhiều so với các lớp dạy tiếng Anh chương trình phổ thông thông thường. Cho nên, ngoài giáo viên đạt chuẩn về trình độ, học sinh có nền tảng kiến thức tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng phải đảm bảo. Ngoài phòng chức năng, ở các lớp học theo chương trình này, trường còn trang bị thêm tivi, các thiết bị nghe nhìn để phục vụ tốt cho việc rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho các em”, thầy Sáng chia sẻ.
Năm học 2017-2018, lần đầu tiên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình mới. Nhà trường tổ chức khảo sát năng lực học sinh trước thềm năm học mới và chọn được 22 em lớp 6 để tổ chức lớp học.
Thầy Huỳnh Thúc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cho hay: “Chương trình tiếng Anh đổi mới theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 có nhiều điểm hấp dẫn, thú vị. Nếu được tương tác tốt, chương trình mới sẽ giúp học sinh phát triển các kỹ năng, áp dụng tích cực vào đời sống. Những năm trước, trường chúng tôi chưa thể mở lớp bởi liên quan tới cơ sở vật chất và số lượng học sinh đăng ký tham gia. Trong lần đầu thí điểm này, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng vào các năm học tiếp theo”.
Theo ông Phan Tấn Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách GD-ĐT TP Tuy Hòa, từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT triển khai dạy tiếng Anh chương trình mới, Phòng GD-ĐT đã cho các trường đăng ký tổ chức lớp dạy tùy theo điều kiện thực tế. Năm đầu chỉ có 3-4 trường tổ chức dạy theo chương trình này, đến năm học 2016-2017, thành phố có 27 trường. Trong đó, tất cả 19 trường tiểu học đều triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3; 8/15 trường THCS thí điểm chương trình lớp 6. Đây là chương trình tự chọn trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh học sinh và từ điều kiện của nhà trường nên Phòng GD-ĐT không áp đặt các trường phải tổ chức lớp giảng dạy.
Là một trong những học sinh theo học chương trình tiếng Anh mới, em Dương Bảo Tiên, học sinh lớp 10 Anh 1, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, chia sẻ: “Năm lớp 6, em may mắn được vào lớp tiếng Anh chương trình mới (Trường THCS Hùng Vương). Học theo chương trình này, chúng em được giáo viên tạo môi trường để thực hành các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết và làm việc nhóm, thuyết trình. Nhờ đó, chúng em năng động, tự tin hơn trong giao tiếp; tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi”.
Tùy điều kiện để nhân rộng
Theo bà Lê Thị Anh Thư, chuyên viên phụ trách môn Tiếng Anh (Sở GD-ĐT Phú Yên), tính đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 181 trường tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình mới của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với 5.510 lớp, 19.305 học sinh theo học. Trong đó, bậc tiểu học có 140/169 trường; bậc THCS có 34/106 trường, bậc THPT có 7/33 trường. “Chương trình tiếng Anh mới có những ưu điểm vượt trội cả về nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy.
Chương trình hướng trọng tâm nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm cho học sinh. Do đó, nhà trường và giáo viên phải được trang bị đầy đủ từ cơ sở vật chất đến kiến thức, phương pháp hiệu quả để đáp ứng giảng dạy cả 4 kỹ năng này cho các em. Muốn đạt hiệu quả tốt nhất, học sinh nên bắt đầu học chương trình tiếng Anh đổi mới ngay từ khi bước vào bậc tiểu học”, bà Thư cho hay.
TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho hay: Muốn nhân rộng các lớp dạy tiếng Anh chương trình mới, ngoài yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định và đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, đạt yêu cầu về năng lực, phương pháp dạy học, còn phụ thuộc vào số lượng đăng ký và chất lượng khảo sát đầu vào của học sinh. Các em theo học lớp này phải đủ năng lực ngôn ngữ để học tiếp chương trình mới. Cho nên, Sở GD-ĐT không ép buộc mà giao quyền chủ động cho các trường, tùy điều kiện để mở lớp.
Riêng các trường THPT, nếu có kế hoạch mở các lớp đầu cấp học chương trình tiếng Anh mới từ năm học 2017-2018 thì cần phải có công văn báo cáo cho sở. Sở cũng đề nghị các phòng GD-ĐT, nếu trên địa bàn chưa có trường nào tham gia giảng dạy chương trình này, phải tổ chức dạy thí điểm ít nhất tại một trường THCS có đủ điều kiện về giáo viên và thiết bị dạy học tối thiểu.
Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT ngày 8/8/2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục xác định “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo” là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm. Bộ GD-ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 thay cho đề án trước đây.
HÀ MY