Việc Tập đoàn điện tử và giải trí Sony công bố sẽ mở nhà máy sản xuất, in ấn đĩa nhựa ở Nhật Bản vào đầu năm 2018 là một trong những tín hiệu cho thấy thị trường đĩa nhựa ở Nhật Bản tưởng như đã lùi vào dĩ vãng lại đang được hồi sinh.
Cạnh tranh từ đĩa nhựa đến máy hát
Năm 1989, Sony ngưng sản xuất đĩa nhựa để tập trung vào CD. Nhưng đến năm 2016, khi thị trường đĩa nhựa tại Mỹ bán ra được 13 triệu bản, đạt mức doanh thu cao nhất trong vòng 25 năm, Sony quyết định sản xuất trở lại đĩa nhựa lần đầu tiên sau gần 30 năm tạm ngừng. Theo thống kê, nhu cầu đĩa nhựa tại Nhật Bản trong 6 năm qua tăng gấp 8 lần. Năm 2016, có gần 800.000 đĩa nhựa được sản xuất, so với 105.000 chiếc trong năm 2010.
Ngoài ra, Sony đang nhắm tới việc tung ra nhiều thể loại nhạc trên đĩa nhựa vào khoảng cuối năm nay hay đầu năm 2018. Dự án sản xuất đĩa nhựa đã bắt đầu với việc đào tạo nhân viên từ những kỹ sư sản xuất có kiến thức ép nhựa đến những người quen với việc tạo ra âm thanh, trong đó các kỹ sư về hưu quay trở lại vai trò cố vấn.
Theo số liệu của Hiệp hội Ngành công nghiệp ghi âm Nhật Bản, trong năm 2016 đã có 799.000 đĩa nhựa được bán ra ở Nhật Bản, tăng 21% so với năm trước và gấp 8 lần từ năm 2009, với doanh thu là 1,45 tỉ yên (13,05 triệu Mới 100%). Tuy nhiên, Công ty tư vấn Deloitte dự tính rằng trong năm 2017, doanh số đĩa nhựa sẽ chạm mốc 1 tỉ USD.
Đĩa nhựa không có độ bền như CD, vì nhạc phát ra nhờ tiếp xúc giữa kim và rãnh trên đĩa. Tuy nhiên, điều thú vị với các ấn bản đĩa nhựa phát hành hiện nay là thường được kèm với một mã đặc biệt để có thể tải phần nhạc số về nghe, đỡ mòn kim, mòn đĩa. Doanh số của máy hát đĩa và các phụ kiện khác liên quan đến đĩa nhựa cũng đang được hồi sinh trở lại.
Máy hát đĩa nhựa ngày nay tiến bộ hơn, có hẳn usb để nối với máy tính, chuyển từ đĩa nhựa sang mp3 vào chép vào iPod. Panasonic đã sản xuất trở lại máy nhãn hiệu Technics từ năm 2016 sau 6 năm ngừng sản xuất. Sony cũng tung ra dòng sản phẩm máy hát đĩa mới trong năm 2016 nhưng dùng cho các đĩa nhựa có kỹ thuật ghi âm chất lượng cao.
Hồi sinh nhờ đa dạng hóa nền âm nhạc
Năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tất cả bài hát tham dự cuộc thi hát Eurovision hồi tháng 5 - 2017 được phát hành dưới dạng bộ 4 đĩa nhựa. Cho dù là âm thanh ấm cúng hay đơn giản là mang phong cách thời trang thì đĩa nhựa (ảnh) vẫn là đối tượng đang được giới mộ điệu săn tìm, dù chắc chắn không được yêu thích cuồng nhiệt như ngày xưa.
Không chỉ lớp người cao tuổi lớn lên đã quen thuộc và nay tìm lại niềm yêu thích cũ, mà cả những người trẻ chưa từng có trải nghiệm về việc đặt một album nhạc lên một bàn xoay cũng rất háo hức. Nhiều người trong số họ bị cuốn hút bởi chất lượng âm thanh, trong đó có những người xem đĩa nhựa như những tác phẩm nghệ thuật và mua chúng để trưng bày. Thậm chí một số nhạc sĩ trẻ còn nói rằng họ muốn phát hành đĩa nhạc tương tự.
Ông Aiichiro Furukawa, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn điện tử và giải trí Sony, cho biết khách hàng muốn chạm tận tay các bản ghi âm mà Sony đã ngưng sản xuất từ năm 1989 sau khi tìm kiếm các bài hát và album yêu thích trên các dịch vụ trực tuyến.
Một số người mua đĩa nhựa sau khi các bài hát lần đầu tiên được nghe trên các dịch vụ truyền phát khác. Điều này cho thấy, họ yêu âm nhạc và họ muốn sở hữu chúng bằng một vật hữu hình.
Đã qua thời của những đĩa nhựa giá rẻ dễ dàng tìm gặp trong các cửa hàng âm nhạc, đĩa nhựa bây giờ bắt đầu tỏ rõ lại giá trị của mình. Nhiều người cho rằng dường như đĩa nhựa đang tận hưởng thời phục hưng của mình.
Theo SGGPO