Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Phú Yên đã khắc phục khó khăn, thực hiện nhiều chủ trương đổi mới về quản lý và giảng dạy, tạo được dấu ấn đậm nét ở các bậc học. Năm học mới 2017-2018, ngành quyết tâm đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong chất lượng. Báo Phú Yên phỏng vấn NGƯT-TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, về kết quả đạt được trong năm học qua và phương hướng năm học tới.
* Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Phú Yên tiếp tục “gặt hái” thêm một mùa “quả ngọt”. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà các bậc học đã đạt được?
- Năm học 2016-2017, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh tiếp tục ổn định với 446 trường học và 3 trung tâm cấp tỉnh. Nhờ thực hiện các biện pháp giáo dục nên tình hình học sinh bỏ học giảm so với năm học trước 0,3%. Ở bậc học mầm non, thành công lớn nhất là tỉnh đã được Bộ GD-ĐT ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Giáo dục tiểu học tiếp tục được quan tâm về chất lượng dạy học giữa các vùng trên địa bàn, quy mô trường lớp, học sinh, chất lượng học hai buổi/ngày được tăng lên, đến nay 94/169 trường dạy tăng buổi/tuần (đạt 55,62%) và 23/169 trường dạy 2 buổi/ngày (đạt 13,6%). Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được tiếp tục thực hiện. Đến nay, tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt mức độ 3 (đạt 88%).
Bên cạnh đó, giáo dục phổ thông của tỉnh cũng được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật trong năm học 2016-2017. Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, học sinh Phú Yên đỗ tốt nghiệp đạt 97,13% (tăng hơn 12,24% so với năm 2016). Trong đó có 9 trường đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Tỉ lệ học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt đều tăng hơn năm học trước từ 0,9-4,7%. Học sinh của tỉnh tham gia và có 204 học sinh đạt giải trong các cuộc thi cấp quốc gia và khu vực... Sở cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hệ giáo dục thường xuyên; tăng cường thanh kiểm tra việc tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập với các hình thức tuyên truyền phong phú.
* Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã được ngành tiếp tục triển khai, đạt được kết quả như thế nào trong năm học qua, thưa ông?
- Toàn ngành đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học, nâng chuẩn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... một cách bài bản, khoa học, bám sát thực tiễn, đạt nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo được bồi dưỡng và nâng chuẩn, đến nay, đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,62%. Ngành GD-ĐT đi đầu trong việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Năm 2016, Sở GD-ĐT xếp vị thứ nhất tỉnh về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 tăng 4 bậc so với năm 2015. Bên cạnh đó, các hoạt động tăng cường giáo dục đạo đức, dạy học tích hợp, an toàn trường học cũng được chú trọng. Phong trào xây dựng thư viện chuẩn, trường chuẩn được các cấp ngành quan tâm, đẩy mạnh. Tính đến tháng 5/2017, toàn tỉnh có 159/446 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 13 trường so với năm học trước.
Ngoài ra, các phong trào, cuộc vận động cũng được ngành triển khai một cách mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao. Mô hình “cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” gắn với cuộc vận động “Mỗi cán bộ giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học yếu” tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Trong năm học, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành đã giúp đỡ hơn 7.000 học sinh với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Các đơn vị còn phân công giáo viên dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh, quyên góp sách vở, quần áo cho học sinh nghèo… Ngoài giúp đỡ về vật chất, Sở GD-ĐT còn hỗ trợ chuyên môn cho các trường thuộc xã Ea Bar, huyện Sông Hinh để đến năm học 2019-2020 các trường của xã này đều đạt chuẩn quốc gia.
* Năm học mới 2017-2018, ngành đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục, thưa ông?
- Năm học 2017-2018, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới GD-ĐT, toàn ngành tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; tăng cường kết nối truyền thông nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề nổi cộm trong dư luận xã hội; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở GD-ĐT. Bên cạnh tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông, dạy học tích hợp theo hướng phát huy năng lực cho học sinh, ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính cũng như các biện pháp để nâng cao chỉ số PAPI trong GD-ĐT; đồng thời đổi mới nội dung hoạt động giáo dục thường xuyên theo hướng giáo dục mở, đẩy mạnh học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Để làm được những điều trên, Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT cần làm việc với các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt đề án Xác định vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở pháp lý để giải quyết bài toán thừa, thiếu nhân sự; bổ sung kinh phí bồi dưỡng cán bộ, giáo viên vào Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục… Đối với UBND tỉnh, việc tinh giản biên chế theo quy định cần có lộ trình và giao chỉ tiêu phù hợp đảm bảo chất lượng giáo dục; tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để tăng cường thiết bị dạy học và thực hành cho các cấp học…
Từ những thành tích đạt được trong năm học qua cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới, tôi tin rằng năm học 2017-2018, ngành Giáo dục Phú Yên sẽ tiếp tục “gặt hái” thêm nhiều “trái ngọt”, nâng cao vị thế trong các phong trào thi đua của tỉnh, khu vực.
* Xin cảm ơn ông!
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh dự kiến đón hơn 193.000 học sinh nhập học. Trong đó có khoảng 35.505 trẻ vào bậc mầm non, 14.493 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, 14.594 học sinh vào lớp 6 và 10.743 học sinh vào lớp 10. Ngày 5/9, các trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt khai giảng năm học mới.
Trước thềm năm học 2017-2018, toàn tỉnh hiện có 5.289 phòng học, trong đó có 3.257 phòng học kiên cố (đạt 61,6%). Sở GD-ĐT Phú Yên đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 trường THPT, THCS-THPT thuộc dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2, sửa chữa Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Hiện Sở GD-ĐT đang gấp rút xây dựng 4 trường THCS thuộc dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 và triển khai thủ tục sửa chữa Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An), nhà thi đấu Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) và 7 trường THPT khác... |
HÀ MY (thực hiện)