Xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập là nền tảng vững chắc cho việc học tập suốt đời. Qua 3 năm thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 281) của Thủ tướng Chính phủ, phong trào đã được triển khai rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh, góp phần phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Nhiều tấm gương sáng, cách làm hay
Mỗi khi nhắc đến gia đình ông Phan Xuân Mai ở thôn Phước Thành Đông, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), mọi người đều nể phục bởi truyền thống hiếu học của gia đình ông. Gia đình ông Mai sống bằng nghề nông, chăn nuôi heo và làm bún, trong khi phải nuôi cùng lúc 3 người con ăn học nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Mong muốn các con có nghề nghiệp ổn định để lo cho cuộc sống, nên vợ chồng ông Mai không quản ngại vất vả, thức khuya dậy sớm tảo tần, chắt bóp, để có tiền lo cho con ăn học. Được sự giáo dục của gia đình, từ nhỏ ba người con của vợ chồng ông Mai luôn nỗ lực học tập, đạt nhiều thành tích cao. Đến nay, cả ba đều tốt nghiệp đại học, cao học, có việc làm ổn định. Có thể nói, sự tảo tần, hy sinh của vợ chồng ông Mai đã được đền đáp xứng đáng bằng sự thành đạt của các con.
Gia đình ông Mai là một trong số nhiều gia đình học tập tiêu biểu trong tỉnh hưởng ứng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng do Hội Khuyến học tỉnh phát động. Có thể kể đến như: gia đình ông Nguyễn Sen ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa); gia đình ông Y Cực ở buôn Dốc Cát, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa); gia đình ông Phạm Chí Tưởng ở xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu); gia đình ông Võ Dựng ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa)… Từ gia đình, phong trào học tập suốt đời lan rộng ra dòng họ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dòng họ hiếu học tiêu biểu như: dòng họ Phạm ở thôn Long Mỹ, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân); dòng họ Đặng thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa); dòng họ Phan ở khu phố 7, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh)… Trong đó có những dòng họ có truyền thống hiếu học lâu đời như: dòng họ Nguyễn ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa); dòng họ Đào thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa); dòng họ Dương ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa); dòng họ Trương ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An)... Ông Lê Chánh Quyền, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tuy An, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 48 dòng họ, chi họ đã thành lập chi hội hoặc ban khuyến học. Nhiều dòng họ đã có nhiều cách làm hay để góp sức đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, qua đó làm cho mối quan hệ dòng tộc thêm gắn bó. Ngoài tổ chức khen thưởng cho con cháu học khá giỏi hàng năm, một số dòng họ còn có nhiều sáng kiến, mô hình hay như: phân công các hội viên theo dõi việc học tập của con em trong các gia đình để kịp thời động viên, nhắc nhở; thành lập tủ sách dòng họ; vận động gây quỹ khuyến học dòng họ; xây nhà cho con em có hoàn cảnh khó khăn… Nhờ đó, con em trong các dòng họ đã phát huy truyền thống hiếu học, đạt nhiều thành tích cao, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học của địa phương”.
Nhân rộng các mô hình học tập
Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, hiện nay, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập phát triển khá mạnh tại các địa phương. Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, trực tiếp giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì vào năm 2014, phong trào này ngày càng lan rộng và đi vào chiều sâu. Ngoài việc tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến học ở cơ sở, Hội Khuyến học các cấp còn kết hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền về các tiêu chí và hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập” theo Quyết định 448 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ông Trương Văn Tho, Thư ký Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Trên cơ sở tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp Hội Khuyến học cơ sở đã vận động và tổ chức đăng ký 58.286 gia đình học tập trong tổng số 190.693 gia đình; 313 dòng họ học tập trong tổng số 476 dòng họ; 367 cộng đồng học tập cấp xã quản lý trong tổng số 527 cộng đồng; 325 đơn vị học tập trong tổng số 554 đơn vị…
Theo ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên, tuy phát triển mạnh, nhưng phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập cũng còn một số hạn chế, như: Phong trào học tập trong dòng họ mới chỉ tập trung chăm lo việc học tập của học sinh, sinh viên, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi thành viên trong gia đình. Do đó, công tác khuyến học dòng họ còn mang tính thời vụ; số lượng các gia đình đăng ký gia đình học tập chưa cao… Thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ dân về mục đích, nội dung phương thức học tập suốt đời; đẩy mạnh tập huấn các tiêu chí và hướng dẫn đăng ký cho các “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập”. “Các gia đình học tập, dòng họ học tập không chỉ là những mô hình, những tấm gương khuyến học từ cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, mà còn là cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, phẩm cách cho nhiều thế hệ con em. Chúng ta cần phải nhận thức rằng, việc đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập hướng tới xây dựng xã hội học tập không phải chỉ ở trong Hội Khuyến học mà phải được trở thành phong trào chung của toàn xã hội. Có như thế, đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” mới sớm đạt được mục tiêu đề ra, đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”, ông Hữu chia sẻ.
KHÁNH HÀ