Thứ Sáu, 10/01/2025 14:40 CH
Làm gì để “đi tắt đón đầu” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Chủ Nhật, 06/08/2017 18:17 CH

Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: foodmanufacture.co.uk

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0).

 

Để hiểu rõ hơn về công nghiệp 4.0, tìm hiểu những cơ hội và thách thức, cũng như những giải pháp làm sao để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH-CN và phó giáo sư-tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

 

Ông Đàm Bạch Dương: Tích cực tiếp cận công nghiệp 4.0

 

Cũng như các quốc gia khác, công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, nhưng với Việt Nam thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội.

 

Về cơ hội, Việt Nam là nước đi sau nên có thể là cơ hội để “đi tắt đón đầu.” Nếu như Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này, bỏ qua một số giai đoạn phát triển khác thì chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian so với các nước.

 

Bên cạnh đó, nhân cơ hội công nghiệp 4.0, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế. Nếu sự thay đổi này đi đúng hướng thì Việt Nam có thể có cơ hội bứt phá được.

 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, nguồn nhân lực; chính sách và hạ tầng. Cụ thể, về công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều nên sẽ tiếp cận rất khó khăn với công nghiệp 4.0.

 

Trong khi đó, trình độ nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa cao và sẽ rất khó khăn khi phải tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ. Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần có những đòi hỏi nhất định để kết nối với công nghiệp 4.0. Như vậy, chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều thách thức.

 

Hiện tại, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực để tiếp cận được công nghệ 4.0 tuy nhiên, trong các bộ ngành có sự chuẩn bị khác nhau. Đã có bộ, ngành chuẩn bị tương đối kỹ và thấu đáo như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành chưa chuyển động được nhiều và đang nghiên cứu triển khai để có ứng xử cho phù hợp.

 

Đối với doanh nghiệp, Bộ KH-CN cũng đã kiến nghị với Thủ tướng giao cho các bộ, ngành chủ quản có nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và các công nghệ liên quan đến 4.0, từ đó có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

 

Về mặt chính sách, Việt Nam đã có các chính sách nhưng có thể chưa trực diện nhưng liên quan rất nhiều đến công nghiệp 4.0. Cụ thể, như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, Đề án Số hóa của Bộ TT-TT, Chương trình đổi mới công nghệ của Bộ KH-CN, và các chỉ thị của các cấp cao hơn. Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, các bộ, ngành sẽ rà soát lại và đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch và chiến lược cho phù hợp với từng bộ, ngành.

 

Bộ KH-CN được giao đầu mối chủ trì và phối hợp với một số bộ ngành để triển khai Chỉ thị 16-CT/TTg. Theo đó, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục thúc đẩy đề án sáng tạo khởi nghiệp. Hiện đề án này đang triển khai tích cực tạo sân chơi cho hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ thực hiện Đề án Tri thức việt số hóa vừa trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt trong tháng Năm; tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu phát triển đổi mới công nghệ thông qua các chương trình quốc gia của Bộ KH-CN.

 

Ngoài ra, bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai thí điểm một số mô hình. Cụ thể, như phối hợp với Bắc Ninh xây dựng thành phố thông minh, phối hợp với Hà Nam xây dựng nông nghiệp công nghệ cao...

 

Để đón cơ hội, vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần này, trước hết Việt Nam cần chuẩn bị về hạ tầng, hạ tầng công nghệ thông tin, intertnet, kết nối băng thông 4G, 5G.

 

Thứ hai, Việt Nam cần rà soát lại chính sách hiện có để có thể tận dụng công nghiệp 4.0. Hiện các bộ ngành đã có chính sách nhất định liên quan đến công nghiệp 4.0 mặc dù không trực diện nhưng đã có triển khai… Các bộ ngành cần có sự chuẩn bị cụ thể và chủ động hơn nữa trong thời gian tới.

 

Thứ ba, Việt Nam cũng cần có chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp sáng tạo và coi doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển.

 

Thứ tư, Việt Nam cũng cần thay đổi về chính sách đào tạo nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến đại học làm sao để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao thích ứng với công nghiệp 4.0.

 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên: Cần cách tiếp cận mới để thích ứng

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là một khái niệm, mà nó đã và đang diễn ra, cũng như có sức ảnh hưởng ngày các lớn đến cuộc sống của con người. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người.

 

Ví dụ như gia đình, một khái niệm cốt lõi và truyền thống nhất cũng đang dần biến đổi trước sự phát triển của công nghệ, khi mà giữa các thế hệ có cách tiếp cận khác nhau, hay sự xuất hiện của các công cụ mới như robot tình dục...

 

Hay như lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nó thể hiện rõ nhất ở các công việc có những thao tác đơn giản khi robot đóng vai trò ngày một lớn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản này khi mà robot làm tốt hơn và chính xác hơn.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Tuy nhiên với những quốc gia có nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng này trong giai đoạn đầu có thể sẽ là rất tiêu cực. Cụ thể, những công nghệ năng lượng hay vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động như đào than hay hút dầu…

 

Theo quan điểm cá nhân của tôi, những lao động thủ công trong các ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này. Các con số thống kê cho thấy, 20 năm tới đây, từ 70-75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành này có thể sẽ bị thay thế. Điều này có thể khiến vài ba chục triệu lao động truyền thống bị mất việc.

 

Trái ngược với những thách thức trên, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, trong khía cạnh tiêu dùng là rất tích cực khi Việt Nam có thể tiếp cận được thông tin, tiếp cận được tri thức, tiếp cận được các dịch vụ tiên tiến… Đây được xem là một cơ hội cho nền kinh tế nước ta có một hệ năng lực mới để phát triển.

 

Tóm lại có thể nói rằng, công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi hệ thống của cả một cấu trúc. Trong đó, những cái cũ không sớm thì muộn sẽ bị thay thế. Những cái cũ không kịp thay đổi, hậu quả sẽ càng nặng nề, nghiêm trọng.

 

Để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang đến, tôi cho rằng chúng ta cần phải có một tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

 

Trước hết Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển. Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ.

 

Từ một nguồn nhân lực có chất lượng, Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới. Thời gian đầu, nhiệm vụ chính của Việt Nam không phải là phát minh hay sáng tạo, mà chính là cần phải học một cách hiệu quả, phải biết "mượn sức" của thế giới bằng việc liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải giải quyết được những vấn đề nội tại cơ bản của nền kinh tế. Đó là đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần, tạo ra một môi trường minh bạch, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển.

 

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, Nhà nước cần phải có cách tiếp cận mới để giúp nền kinh tế có thể thích ứng một cách tốt hơn với cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là giảm thiểu một cách triệt để tư duy bao cấp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, trong một chừng mức khác là hướng dẫn sự phát triển cho doanh nghiệp.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek