Những năm gần đây, để xin được việc làm ổn định, đúng ngành học đối với sinh viên sư phạm chưa bao giờ là dễ dàng, bởi vì “cung” luôn lớn hơn “cầu”. Một đến hai năm đầu ra trường, rất ít cử nhân sư phạm xin được việc làm đúng ngành học, dù chỉ là giảng dạy theo diện hợp đồng ngắn hạn. Biết được điều này nên không ít sinh viên ngành sư phạm vừa tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng năm 2017 của Trường đại học Phú Yên không giấu được sự lo lắng ngay trong ngày tốt nghiệp vừa được trường này tổ chức. Theo các em, để vào công chức là chuyện vô cùng khó khăn vì các đợt tuyển công chức chỉ tiêu tuyển rất ít, trong khi đó xin được dạy hợp đồng cũng không hề dễ dàng. Hơn bao giờ hết, vấn đề việc làm đối với sinh viên sư phạm, vẫn là một trong những vấn đề bức thiết nhất hiện nay. Phạm Thị Trúc Phương ở huyện Phú Hòa tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh học Trường đại học Phú Yên hơn 5 năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống, Phương vẫn đang tiếp tục công việc gia sư đã làm suốt những năm tháng là sinh viên.
Sinh viên sư phạm ra trường không tìm được nơi giảng dạy không còn là chuyện mới trong những năm gần đây. Riêng với Phú Yên, hàng năm có đến cả ngàn hồ sơ xin việc thuộc lĩnh vực sư phạm chất chồng và thực tế, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đã phải làm đủ nghề để kiếm sống vì không xin được việc. Đây là điều đáng để các thí sinh cân nhắc khi có ý định dự tuyển vào các ngành sư phạm để tránh gây lãng phí tiền của, công sức và nhiều hệ lụy khác không chỉ đối với người học.
Cách đây 20 năm, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời đã thu hút rất nhiều thí sinh. Chính sách này đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên trên cả nước và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, chính sách này không còn phù hợp, khi mà tâm lý đổ xô học sư phạm cho đỡ tiền học phí cũng phần nào gián tiếp làm cho tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.
Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, đào tạo không theo nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng hàng loạt sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp là một bất cập trong thời gian qua. Đó cũng là thực trạng đáng buồn khi nhiều người tham gia kỳ thi và xét tuyển viên chức giáo viên vừa qua, song không được chọn vì chỉ tiêu có hạn. Để khắc phục tình trạng này, chỉ có gắn với nhu cầu sử dụng mới tránh xảy ra tình trạng đào tạo tràn lan, làm cho nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm.
Một thực tế trong đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua ở nước ta là mạnh ai nấy đào tạo, bất chấp nhu cầu của xã hội như thế nào. Đào tạo sư phạm cũng không ngoại lệ, thậm chí độ “vênh” giữa đào tạo và sử dụng ngày càng lớn làm cho tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp tăng. Để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm, Bộ GD-ĐT xác định sẽ giảm hợp lý theo lộ trình chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đối với giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017. Đồng thời bộ này cũng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Giáo dục thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả, đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội.
QUỲNH ANH