Thứ Bảy, 11/01/2025 15:53 CH
Bảo vệ, phát triển cây trắc Phú Yên: Việc làm cấp thiết
Thứ Hai, 17/07/2017 07:52 SA

Kỹ sư Lê Văn Thứng theo dõi sự phát triển của cây trắc - Ảnh: THÁI HÀ

Nằm trong Sách Đỏ Việt Nam với mức độ nguy cấp (E) cần được bảo vệ, cây trắc có tên khoa học Dalbergia annamensis A. Chev - là loài có giá trị kinh tế đang bị khai thác lạm dụng, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực tế đó, kỹ sư Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài nhằm bảo vệ, phát triển loài cây này nhằm góp phần bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái.

 

Trăn trở với cây trắc

 

Phú Yên là một trong những vùng lập địa đa dạng sinh học do sự khác biệt lớn về địa hình, khí hậu; các luồng gió tạo nên hệ thực vật có mức độ đặc hữu cao. Trong đó, cây trắc được nhóm tác giả xác định là loài cây đặc hữu của Phú Yên có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 1996 ở mức độ nguy cấp (E), cần được bảo vệ.

 

Là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm thực vật IIA (theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ), cây trắc có giá trị về khoa học, môi trường và kinh tế, nhưng hiện nay số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên và có nguy cơ tuyệt chủng nên cần hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Về mặt phẩm chất, trắc là loại gỗ có vân đẹp, khi khô không nứt, không biến dạng, không bị mối mọt, rất cứng chắc nên được ưa chuộng trên thị trường. Gỗ cây trắc được sử dụng trong việc thiết kế đồ gỗ cung đình, đồ gia dụng cao cấp phục vụ xuất khẩu.

 

Hiện tại, trên địa bàn Phú Yên, khu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa là nơi tập trung khá dày cây trắc. Rừng trắc tại lưu vực suối Đá Bàn trước đây có nguồn gốc là rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, người dân quay trở về quê cũ để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, nhu cầu về gỗ để xây dựng nhà cửa, củi đun sinh hoạt hàng ngày tăng cao, và cây trắc trở thành đối tượng bị khai thác nhiều, làm cho số lượng loại cây này giảm đáng kể.

 

Trăn trở với việc làm như thế nào để bảo tồn và phát triển cây trắc, kỹ sư Lê Văn Thứng đã cùng nhóm cộng sự thực hiện công trình nghiên cứu nhằm xác định vị trí nơi cây trắc sinh trưởng và hiện còn tại suối Đá Bàn; đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi nhằm bảo vệ, bảo tồn; xây dựng quy trình kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc loại cây này.

 

Sau 4 năm thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã hoàn thiện quy trình gieo ươm và trồng được hơn 4,5ha rừng trắc với sự cộng tác của 6 hộ gia đình trong vùng suối Đá Bàn. Số cây trắc gieo ươm thành công được các tác giả tặng cho các chùa trong vùng, đồng thời các chủ vườn ươm đã bán khoảng 5.000 cây cho những người có nhu cầu.

 

Góp phần phát triển kinh tế

 

Theo Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài, nhóm tác giả đã có ý tưởng tốt trong việc đưa ra các giải pháp bảo vệ, hướng đến phát triển cây trắc. Tuy nhiên, để cây trắc có thể phát triển dựa vào cộng đồng, cần gắn việc bảo vệ, bảo tồn, phát triển loài cây này với phát triển kinh tế. Bởi, chỉ khi cây trắc mang lại giá trị kinh tế cao thì khi đó người dân mới có nguồn thu nhập để đầu tư trở lại.

 

Theo kỹ sư Lê Văn Thứng, chu kỳ kinh doanh của cây trắc khoảng 15-20 năm. Khi đó, đường kính gốc trắc có thể đạt 15-20cm và có thể đáp ứng các mục tiêu trồng rừng: cung cấp gỗ mộc, gỗ mỹ nghệ, gỗ cao cấp cho xây dựng hoặc có thể trồng kinh tế kết hợp phòng hộ, cải tạo môi trường, nâng cao độ phì nhiêu của đất. “Với mô hình trồng kinh tế, người dân có thể trồng trắc thuần hoặc trồng hỗn giao với một số cây gỗ lớn hoặc hỗn giao cây lâm nghiệp phụ trợ như giáng hương, cà te, keo lai để tạo nguồn thu cho người tham gia thực hiện hoặc đầu tư trồng trắc trong thời gian đầu. Nếu trồng vì mục đích kinh tế là chính thì người trồng cần tiến hành thâm canh, bón lót, bón thúc cho cây trắc và các cây kết hợp để cây trồng phát triển nhanh đến tuổi thành thục kinh tế. Để bảo vệ cây trắc cần tác động bằng một số biện pháp như: phát dọn dây leo và chặt dọn cây sâu bệnh, trồng bổ sung nguồn giống, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, thường xuyên kiểm tra phát hiện và ngăn chặn các tác động phá hoại rừng”, kỹ sư Lê Văn Thứng cho biết.

 

Cũng theo kỹ sư Lê Văn Thứng, nếu trồng thuần cây trắc, người dân có thể trồng với mật độ 1.650 cây/ha (cự ly 2mx3m). Với mô hình hỗn giao trắc, keo lai người dân có thể trồng với mật độ 1.650 cây/ha; trong đó hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m, một hàng trắc, hai hàng keo lai. Với mô hình hỗn giao giáng hương, trắc dây, keo lai có thể trồng với mật độ 1.700 cây/ha. Người dân cũng có thể trồng phân tán thuần trắc hoặc kết hợp với cây phụ trợ, cây ăn quả khác ở các bìa rừng, bìa rẫy. Thời vụ trồng thích hợp vào tháng 9 và 10 âm lịch.

 

Nhận xét về những kết quả đề tài đạt được, ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên) cho rằng, đề tài có tính cấp thiết và nhóm tác giả là những người tâm huyết với mong muốn bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, một loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần đánh giá trữ lượng trắc tại thôn Cẩm Tú một cách chính xác, đồng thời xác định về giá trị kinh tế, giá trị khoa học của cây trắc cũng như có khảo sát trong thực tế rằng người dân đã làm gì với cây trắc, cây trắc cho ra những sản phẩm gì, giá trị đến đâu? Khi biết được giá trị của cây trắc trong thực tế, người dân mới có động lực bảo vệ và đầu tư để phát triển.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek