Kể từ năm học 2005-2006, chủ trương của Bộ GD-ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THCS, hầu hết học sinh học xong THCS đều vào THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng lại có xu hướng tăng lên.
Tại Phú Yên, những năm gần đây, mặc dù được đánh giá là đạt nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục, đào tạo gồm nhiều ngành học, cấp học, bậc học và thu hút đào tạo học sinh từ các trình độ khác nhau trên khắp địa bàn tỉnh, tuy nhiên do nhiều lý do, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018, các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh tuyển 10.743 học sinh, tương ứng với 84,37% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trên địa bàn. Để tuyển sinh vào lớp 10 đúng chất lượng, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng vì học yếu, lần đầu tiên Sở GD-ĐT mở rộng diện thi tuyển đầu vào đối với 21 trường THPT với hơn 10.600 thí sinh dự thi. Trong kỳ thi này có 495 thí sinh vắng thi. Lý do vắng được các trường giải thích là có thể do các em rẽ sang loại hình học tập khác, không tiếp tục theo học bậc THPT. Đây có thể được xem là tín hiệu vui trong công tác phân luồng học sinh sau THCS.
Tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được xem là một vấn đề cấp thiết hiện nay vì nó giúp cho thanh thiếu niên chọn nghề một cách có cơ sở, giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn hơn về nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực sáng tạo, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh lãng phí về đào tạo và sử dụng lao động hợp lý, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững của địa phương. Chính vì vậy, học sinh rất cần được sự định hướng đúng, được tư vấn rõ ràng và đầy đủ trong việc hướng nghiệp. Theo Sở GD-ĐT, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được định hướng theo 4 luồng chính là tiếp tục học lên THPT, học trung cấp chuyên nghiệp, học giáo dục thường xuyên và học nghề để đi lao động kiếm sống. Việc Sở GD-ĐT mở rộng diện thi tuyển đầu vào lớp 10 đối với các trường công lập trong năm học 2017-2018 cũng không ngoài mục đích giúp các em học sinh có năng lực học tập hạn chế, không thể tiếp tục theo học các cấp học, bậc học cao hơn chọn con đường học nghề để tránh lãng phí thời gian của các em sau 3 năm học THPT mà không đạt hiệu quả.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên nhìn nhận, nguyên nhân khiến việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh sau THCS hạn chế là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục chuyên nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức. Nhiều học sinh không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm, động cơ tham gia học nghề của học sinh bị lệch, xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn nặng chạy theo bằng cấp; đặc biệt công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề mà xã hội đang cần cũng là những trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh. Vì vậy, để công tác phân luồng học sinh sau THCS thực sự đạt hiệu quả và trở thành một quy luật tất yếu rất cần thêm sự quan tâm, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là từ phía học sinh và phụ huynh.
QUỲNH ANH