Từ ngày 14-16/7, Hội nghị Tim mạch miền Trung mở rộng lần thứ IX do Sở Y tế Phú Yên phối hợp với Hội Tim mạch miền Trung tổ chức sẽ diễn ra tại khách sạn Cendeluxe (TP Tuy Hòa). Với nội dung tập trung vào một số chuyên đề: bệnh lý tim mạch nội - ngoại khoa, điều trị nội - ngoại khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, tim mạch dự phòng, chẩn đoán hình ảnh tim mạch…, hội nghị thu hút khoảng 1.000 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ các bệnh viện, trường đại học… trong cả nước.
Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc - Ảnh: YÊN LAN |
Báo Phú Yên phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị, về sự kiện quan trọng này.
* Thưa bác sĩ, Hội nghị Tim mạch miền Trung mở rộng lần thứ IX có ý nghĩa như thế nào đối với công tác nghiên cứu khoa học và việc cập nhật những kiến thức mới của giới y khoa?
- Lĩnh vực tim mạch nói chung, tim mạch can thiệp nói riêng ngày càng được giới y khoa đặc biệt quan tâm bởi vì bệnh lý tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong cao hàng đầu. Hội nghị Tim mạch miền Trung được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Tiếp theo thành công của Hội nghị Tim mạch miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII tại Đà Lạt, Sở Y tế Phú Yên được BTC tin tưởng giao đăng cai tổ chức Hội nghị Tim mạch miền Trung lần thứ IX năm 2017 tại TP Tuy Hòa. Hội nghị lần này tiếp tục tập trung vào những nội dung nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực: Bệnh lý tim mạch nội - ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh tim mạch, điều trị nội - ngoại khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, tim mạch dự phòng... Đây là cơ hội để các đồng nghiệp cập nhật những kiến thức mới nhất, đồng thời trao đổi học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ các giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước về lĩnh vực chuyên ngành tim mạch. Chúng tôi tin rằng qua hội nghị này, đội ngũ bác sĩ sẽ làm tốt hơn nữa công tác dự phòng các bệnh tim mạch; thực hiện tốt công tác khám sàng lọc, điều trị nhằm giảm số người mắc các bệnh tim mạch tại cộng đồng, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch; nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học.
* Trong 14 chuyên đề của hội nghị có chuyên đề Tim mạch can thiệp. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Bác sĩ có thể cho biết tầm quan trọng của hội nghị này đối với các bác sĩ đang tiếp nhận kỹ thuật can thiệp mạch vành từ Bệnh viện Thống Nhất?
- Việc thành lập Đơn nguyên Tim mạch can thiệp là bước khởi đầu cho các bước tiếp theo trong việc phát triển chuyên sâu lĩnh vực tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Đến nay, với sự hỗ trợ tích cực của Bệnh viện Thống Nhất, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp đã thực hiện 8 đợt điều trị can thiệp cho 88 bệnh nhân, trong đó có 46 ca đặt stent, cấp cứu thành công 7 ca nhồi máu cơ tim cấp, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, ổn định cuộc sống.
Hội nghị lần này sẽ dành thời lượng nhất định cho các báo cáo về tim mạch can thiệp. Đây là cơ hội rất tốt để các bác sĩ đang tiếp nhận kỹ thuật can thiệp mạch vành từ Bệnh viện Thống Nhất học hỏi kinh nghiệm, phương pháp kỹ thuật hay. Đây cũng là cơ hội để ngành Y tế Phú Yên giới thiệu với đồng nghiệp trong cả nước biết về sự phát triển của Phú Yên trong lĩnh vực tim mạch nói chung, tim mạch can thiệp nói riêng.
Mặt khác, qua hội nghị, các đồng nghiệp khác trong tỉnh cũng nắm bắt thêm các kiến thức về tim mạch can thiệp để có thể phối hợp tốt hơn trong việc phát hiện, xử trí và chuyển viện kịp thời. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của can thiệp mạch vành bởi vì đối với các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, vào những giờ “vàng” thì tỉ lệ thành công rất cao (trong vòng 12 giờ đầu, tốt nhất là trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi xuất hiện cơn đau thắt ngực); nếu bỏ lỡ cơ hội, tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn và có thể sẽ để lại những di chứng nhất định.
Kíp bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp cấp cứu một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh: YÊN LAN |
* Ngoài các báo cáo khoa học theo chuyên đề, hội nghị còn có những nghiên cứu lâm sàng và chương trình đào tạo y khoa liên tục. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về 2 nội dung này?
- Tại hội nghị, các đồng nghiệp sẽ báo cáo một số nghiên cứu lâm sàng về những trường hợp đặc biệt. Đó là các trường hợp có bệnh sinh, diễn biến bệnh lý, quá trình phát hiện và điều trị có những điểm đặc biệt đã được ghi lại để chia sẻ với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận, trao đổi để học hỏi kinh nghiệm.
Về chương trình đào tạo y khoa liên tục, theo quy định của Bộ Y tế, cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang hành nghề khám, chữa bệnh thì vẫn phải tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp để cập nhật những kiến thức mới, tránh tình trạng các bác sĩ giữ lại những quan điểm cũ, lạc hậu, không theo kịp sự tiến bộ của y học… Các bác sĩ phải tham gia các lớp đào tạo y khoa liên tục và được cấp giấy chứng nhận. Đây là một điều kiện để xem xét việc có tiếp tục cấp chứng chỉ hành nghề hay không.
Tại hội nghị này, các giáo sư đầu ngành về tăng huyết áp và tim mạch sẽ có những bài giảng về một số chuyên đề. Các bác sĩ chọn những chuyên đề mà mình quan tâm, đăng ký học và được cấp giấy chứng nhận.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)