Nguy cơ nhiễm phóng xạ đối với các nhà du hành vũ trụ khi đi ra ngoài khoảng không có thể sớm trở thành "chuyện quá khứ", sau khi các nhà khoa học Úc phát minh ra một loại vật liệu nanô siêu mỏng có thể bảo vệ bề mặt chống ánh sáng và bức xạ.
Phát minh trên là của các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Úc (ANU) được đăng tải trên tạp chí Vật liệu có tính năng cao của nước này ngày 4/7. Loại vật liệu nanô nói trên có khả năng điều chỉnh để phản xạ ánh sáng hữu hình hoặc vô hình như mong muốn, qua đó có thể bảo vệ tốt hơn cho các nhà du hành vũ trụ trước bức xạ Mặt Trời khi họ ra ngoài khoảng không vũ trụ.
Tiến sĩ Mohsen Rahmani thuộc ANU cho biết loại vật liệu này mỏng đến mức có thể áp hàng trăm lớp cùng một lúc vào bất kỳ bề mặt nào, kể cả bộ quần áo du hành vũ trụ.
Theo tiến sĩ Rahmani, có thể sử dụng loại vật liệu này trong nhiều ứng dụng khác nhau như bảo vệ các nhà du hành vũ trụ hoặc bảo vệ các vệ tinh bằng một lớp màng siêu mỏng có thể điều chỉnh để phản chiếu các tia cực tím nguy hiểm hoặc bức xạ hồng ngoại trong những môi trường khác nhau.
Ông khẳng định công nghệ này tăng đáng kể khả năng chống bức xạ có hại so với những công nghệ hiện nay vốn dựa vào nguyên lý hấp thu bức xạ bằng các lớp lọc dày.
Nhà nghiên cứu Andrey Miroshnichenko trong nhóm phát minh trên cho biết vật liệu nanô này không những có thể phản chiếu ánh sáng vô hình như bức xạ hồng ngoại mà còn có thể chặn và truyền ánh sáng hữu hình, mở ra khả năng ứng dụng trong các công trình kiến trúc như các tòa nhà, trên cửa sổ hoặc trong sân vận động.
Ông nêu ví dụ có thể biến một cửa sổ thành một cái gương trong phòng tắm, hoặc kiểm soát lượng ánh sáng vào nhà qua cửa sổ tùy theo từng mùa trong năm.
Theo Vietnam+