Thứ Sáu, 15/11/2024 05:21 SA
Khi nông dân đi học văn hóa
Chủ Nhật, 25/06/2017 12:29 CH

Các nông dân ở xã Hòa Mỹ Tây theo học lớp bổ túc THCS tại Trường THCS Tây Sơn - Ảnh: THÚY HẰNG

Ở cái tuổi từ 40-70, việc tiếp thu kiến thức có phần khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm theo đuổi việc học tập. Với họ, học không chỉ để lấy tấm bằng mà còn để thỏa mãn sự ham học; học là để cho bản thân và làm gương cho con cháu…

 

Hc để nâng cao kiến thc

 

Sinh ra và lớn lên từ đồng lúa, vậy mà hơn nửa đời người nhiều lão nông ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) vẫn muốn cắp sách đến trường để hoàn thành chương trình lớp 9. Thế nên, nhiều lão nông đến lớp quần còn ống xăn ống thả khi mới đi thăm đồng về. Lớp học bắt đầu lúc 19 giờ vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, song hơn 18 giờ các học viên đã có mặt. Trong lúc chờ đến giờ vào lớp, gần 40 nông dân trong và ngoài xã Hòa Mỹ Tây tham gia lớp học này tranh thủ “tám” chuyện trồng trọt, chăn nuôi và các vấn đề thời sự khác liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Với họ đi học bổ túc ngoài nâng cao trình độ văn hóa, còn có dịp học tập, trao đổi, chia sẻ lẫn nhau về cách làm kinh tế mang lại hiệu quả.

 

Ở cái tuổi 70 nhưng lão nông Nguyễn Việt Hùng ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây vẫn thu xếp công việc để mỗi tuần 3 đêm theo học lớp bổ túc văn hóa THCS do Trường THCS Tây Sơn tổ chức. Mái đầu bạc trắng, cặp kính lão dày cộp, bàn tay quen cầm cuốc, cấy cày giờ cầm bút nên không tránh khỏi lóng ngóng. “Ngày trước do nhà nghèo, lại chưa ý thức được việc học là cần thiết nên tôi và các bạn cùng trang lứa vùng này đều nghỉ sớm. Sau đó, tôi và một số thanh niên trong làng “nhảy núi” theo cách mạng nên không còn khái niệm học chữ. Hòa bình lập lại, thấy lớp cháu con học hành đến nơi đến chốn, tầm hiểu biết mở rộng nên những người làm cha làm mẹ ở thế hệ chúng tôi cũng muốn cải thiện trình độ để không bị lạc hậu”, lão nông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

 

Ông Hùng hiện là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Quảng Mỹ. Ông nói: “Vì tuổi đã cao nên việc tiếp thu bài giảng không bằng lớp trẻ nhưng nếu việc trau dồi kiến thức giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội thì dù có khó tôi cũng sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành chương trình học đã đề ra”.

 

Thấy việc học tập không có giới hạn tuổi tác nên nhiều nông dân trong xã Hòa Mỹ Tây cũng “cắp sách đến trường”. Lão nông Lê Hùng Cẩn (SN 1950) ở thôn Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ Tây, bộc bạch: “Ở cái tuổi bước thấp bước cao, mắt mũi kèm nhèm như tôi mà hàng đêm còn đi học nghe có vẻ khó tin, nhưng dù ai nói gì thì nói, mỗi tuần 3 buổi tôi xách đèn pin soi đường để đến trường đều đặn. Thời chiến tranh loạn lạc, nghèo khó mình không có điều kiện đi học thì nay mình học. Với tôi, sự học không hề có biên giới”.

 

Là một trong những học viên “xanh tóc” của lớp, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1973), chia sẻ: “Tôi đang làm nhân viên bảo vệ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Đông Hòa. Xác định học là một việc tốt cho bản thân và tốt trong công tác, do đó, tôi đã đăng ký học lớp bổ túc văn hóa THCS. Biết chúng tôi lớn tuổi, khó tiếp thu bài nên các thầy cô giảng giải rất tận tình. Chính vì vậy, bản thân tôi xác định phải luôn cố gắng, nỗ lực sắp xếp thời gian, công việc để đi học đầy đủ để không bỏ lỡ kiến thức mà thầy cô truyền đạt”.

 

Và để làm gương cho con

 

Không chỉ có đàn ông, lớp học cũng thu hút các bà, các mẹ, các chị theo học. Nhìn gương mặt khắc khổ, lam lũ của chị Võ Thị Hồng ở thôn Mỹ Thành ít ai biết chị mới 45 tuổi. Nhà cách Trường THCS Tây Sơn hơn 5 cây số, nhưng sau gần 2 tháng theo học lớp bổ túc THCS này, chị Hồng chưa vắng một buổi học nào. Chị kể ngày xưa gia đình quá nghèo khổ nên chuyện học của chị không đến nơi đến chốn. Vì hổng kiến thức nên nhiều lúc đứa con lớn đang học lớp 6 muốn mẹ chỉ giúp việc học tập là chị bí rị. Mặc cảm và xấu hổ với con cái nên chị quyết tâm theo học lớp bổ túc văn hóa này. “Việc học có lợi rất nhiều cho bản thân vì trước mắt là có kiến thức cho chính mình, sau đó là làm gương cho con cái noi theo. Nhiều khi nghĩ mình lớn tuổi, tiếp thu bài chậm cũng muốn bỏ. Sau đó nghĩ lại mình phải kiên trì học tập thì con cái mới thấy đó mà noi theo được. Học không bao giờ thừa dù bất cứ hoàn cảnh nào”, chị Hồng quan niệm như vậy.

 

Có cùng suy nghĩ như chị Hồng, chị Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1973) ở cùng thôn với chị Hồng, bày tỏ: “Tôi chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, vì kiến thức hạn chế nên có muốn kèm cặp con cái học hành cũng khó. Nhiều lúc cũng muốn đi học cái nghề để tạo việc làm cho bản thân, song do kiến thức hạn chế nên cũng khó chọn được nghề phù hợp. Qua lớp học này, tôi có thể tự tin trước con cái và hy vọng sẽ chọn được cái nghề để học tập, vận dụng trong cuộc sống”.

 

Quy định của lớp học là làm gì thì làm, học viên không được đi trễ, không được nghỉ học quá số tiết cho phép. Nếu nghỉ học thì phải có đơn xin phép và sẽ được giáo viên bổ túc lại bài trong ngày hôm sau. Chấp hành quy định này, các học viên dù đã lớn tuổi vẫn quyết tâm “bám trường, bám lớp”. Lão nông Nguyễn Việt Hùng kể: Ngày ông thông báo cho vợ và các con biết tin ông theo học lớp bổ túc THCS, cứ lo mọi người phản đối, ai dè cả gia đình đều ủng hộ cao. “Chiều đến, vợ tôi còn tranh thủ cơm nước sớm để tiếp sức cho tôi đi học. Còn các con tôi thì nhiệt tình gọi điện động viên ba đi học, đồng thời hướng dẫn tôi cách vào internet để tìm hiểu thêm các nội dung liên quan đến chương trình học”, ông Hùng sảng khoái nói.

 

Nông dân vượt khó đến lớp nên giáo viên cũng nhiệt tình giảng dạy. Thầy Đặng Ân, giáo viên dạy Toán Trường THCS Tây Sơn, bộc bạch: “Đặc thù của lớp là học viên lớn tuổi nên trong quá trình dạy, chúng tôi chỉ truyền đạt những kiến thức cơ bản, dễ học dễ hiểu để duy trì sự chuyên cần của các học viên”. 

 

Việc tổ chức học tập cho mọi người, từng bước xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Sở GD-ĐT cũng đề nghị Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố mở các lớp phổ cập THCS cho học sinh bỏ học và các đối tượng chưa học hết bậc THCS. Chủ trương thì có, song không phải địa phương nào cũng làm được, vì các đối tượng huy động không chịu ra lớp. Hiện toàn tỉnh có 72 học viên theo học các lớp bổ túc THCS, trong đó chỉ có huyện Tây Hòa vận động được nông dân theo học lớp 9 với 38 học viên. Đây là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh thu hút được nhiều học viên ngoài độ tuổi phổ cập THCS đi học.

 

Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên

- chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Phú Yên) Võ Nguyên Hòa

 

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN TÂY HÒA LÊ HOÀNG: Nâng cao chất lượng phổ cp giáo dc

 

 

Để nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục THCS của huyện Tây Hòa đạt mức độ 2 trong năm 2017, đồng thời tạo điều kiện cho người lớn, thanh thiếu niên nâng cao trình độ văn hóa, ngay từ đầu năm 2017, Phòng GD-ĐT đã tham mưu với UBND huyện mở các lớp bổ túc THCS.

 

Trên cơ sở đó, Phòng GD-ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động người học tham gia đăng ký dự học; chỉ đạo hiệu trưởng các trường THCS thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả từ khâu tuyên truyền, vận động với phương châm “Gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để huy động hết số lượng học viên trên địa bàn xã, thị trấn tham gia học. Phân công cán bộ, giáo viên của nhà trường trợ giúp các học viên trong suốt quá trình học tập.

 

Ngoài lớp 9 học bổ túc ở xã Hòa Mỹ Tây - chủ yếu là nông dân theo học, hiện Phòng GD-ĐT huyện tiếp tục mở các lớp bổ túc THCS ở các khối 6, 7, 8, nhằm giảm tỉ lệ học sinh bỏ học trong độ tuổi, giữ vững phổ cập giáo dục THCS. Các lớp học chủ yếu tổ chức vào buổi tối nên mọi người đều có thể đăng ký vừa đi học vừa làm. 

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS TÂY SƠN NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT: Tạo điều kiện cho người dân học tp sut đời

 

 

Những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục ở xã Hòa Mỹ Tây có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác phổ cập giáo dục THCS được duy trì và giữ vững. Xác định công tác dạy bổ túc văn hóa cũng như giáo dục sau biết chữ là hết sức quan trọng nên hàng năm, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thăm nắm và vận động các học viên thuộc từng diện đăng ký tham gia lớp học bổ túc vào dịp hè.

 

Tuy nhiên, dịp hè là thời điểm bà con nông dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch và gieo trồng vụ mùa nên việc huy động người dân tham gia lớp học là rất khó khăn. Bên cạnh đó, đối với các lớp bổ túc văn hóa chỉ mở tại các điểm trường chính trong khi điều kiện đi lại của bà con chủ yếu là đi bộ nên “giữ chân” được người học là không hề dễ dàng.

 

Việc Phòng GD-ĐT mở được lớp bổ túc THCS tại địa phương không chỉ nhằm xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục của địa phương; tạo điều kiện cho nhân dân, các em học sinh có nhu cầu tham gia học tập để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu hiện nay. 

 

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC PHÚ YÊN NGUYỄN VĂN TÁ: Lan tỏa tinh thần hiếu học

 

 

Xây dựng xã hội học tập là một trong những chủ trương lớn của Nhà nước ta nhằm mục đích nâng cao kiến thức, tay nghề, trình độ, nâng cao thu nhập cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, cách tiếp cận và tổ chức triển khai chủ trương này trong điều kiện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức học tập cho người lớn, người trong độ tuổi lao động.

 

Trong xã hội học tập, nền giáo dục được cấu trúc thành hai hệ thống giáo dục có sự liên thông với nhau, hỗ trợ lẫn nhau: hệ thống giáo dục ban đầu (hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường), chủ yếu dành cho thế hệ trẻ, và hệ thống giáo dục tiếp tục (giáo dục không chính quy ngoài nhà trường), chủ yếu dành cho người lớn. Quá trình giáo dục không phân biệt tuổi tác, ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Tôi đánh giá cao cách làm hiện nay của ngành Giáo dục huyện Tây Hòa trong việc thu hút học viên là nông dân đến lớp bổ túc THCS, cũng như tinh thần ham học của người dân nơi đây.

 

Với sự vào cuộc của toàn xã hội, ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, từng thôn, xóm sẽ góp phần tạo nên một xã hội học tập, có sức lan tỏa rộng khắp.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek