Thứ Sáu, 15/11/2024 08:23 SA
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017: An toàn, đúng quy chế
Chủ Nhật, 25/06/2017 07:20 SA

Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia 2017, Cụm thi 39 do Sở GD-ĐT Phú Yên chủ trì chỉ có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi - Ảnh: THÚY HẰNG

* Thí sinh phấn khởi vì đề thi bài tổ hợp Khoa học xã hội nhẹ nhàng

 

Sáng 24/6, các thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với bài thi Khoa học xã hội. Tỉ lệ thí sinh dự thi ở ngày thi cuối cùng đạt 99,25%. Như vậy, tỉ lệ thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 ở Cụm thi 39 đạt 99,35%.

 

Đây là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi THPT quốc gia và cũng là năm đầu tiên các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân được tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm. Toàn tỉnh có 4 điểm thi “trắng” thí sinh, bao gồm: Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa), Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa).

Theo ghi nhận, tình hình thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong ngày thi cuối cùng tại các điểm thi tiếp tục được duy trì trong an toàn, trật tự, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Như vậy, kết thúc 2,5 ngày thi, toàn tỉnh chỉ có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.

 

Theo các thí sinh đề thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội không khác mấy so với đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT trước đó. Thí sinh Nguyễn Văn Diễn, dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỏ ra hài lòng với đề thi môn Địa lý. Diễn cho biết: “Em chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp. Đề thi môn Địa lý bình thường, sát với chương trình sách giáo khoa nên em làm được khoảng 70%; còn đề thi môn Lịch sử em làm được 60%”. Là thí sinh tự do, Phạm Thị Nữ, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh, chọn thi Lịch sử, Địa lý để lấy điểm xét tuyển vào Trường đại học Đà Lạt. Nữ cho hay: “Đề thi không quá khó nên em tự tin có thể đạt được 6-7 điểm/môn”.

 

Phần lớn thí sinh cho rằng mặc dù thi theo hình thức trắc nghiệm, song bài thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay không khó, vừa sức thí sinh. Các môn đều có hơn 50% kiến thức nằm trong sách giáo khoa và có từ 4-7 câu khó dùng để phân loại thí sinh. Nhận xét về các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh Nguyễn Hoàng Nam ở điểm thi Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An) nói, so với hình thức thi tự luận thì thi trắc nghiệm dễ hơn. Nam chia sẻ: “Em học trung bình, thi cả hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, bài nào đạt điểm cao hơn em sẽ dùng để xét tốt nghiệp THPT. So với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội “dễ thở” hơn. Môn Địa lý, em làm được 28/40 câu; môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân, em đều làm được hơn 25 câu. Còn lại, em khoanh đại. Mặc dù đề thi bám sát sách giáo khoa, nhưng phải hiểu và biết vận dụng vào thực tế mới đạt được điểm cao”.

 

Tại điểm thi Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tuy Hòa), nhiều thí sinh tự do dự thi môn thi Lịch sử và Địa lý rất phấn khởi sau khi kết thúc thời gian làm bài vì đề thi không khó, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Thí sinh Nguyễn Văn Tâm cho biết: Môn Lịch sử, đề bài ra vào các giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam nên hầu như học sinh trong quá trình ôn tập đều lưu ý. Môn Địa lý, các vấn đề thời sự như: ô nhiễm biển miền Trung, nhiễm mặn… đều không nằm ngoài dự đoán của thí sinh.

 

 

GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN PHẠM VĂN CƯỜNG: Ngày 7/7 sẽ công bố kết quả thi

 

Ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, Báo Phú Yên đã có trao đổi với TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, đơn vị chủ trì Cụm thi 39. TS Phạm Văn Cường cho biết: Cụm thi 39 đã hoàn thành kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Điều đáng mừng là kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận rất cao của xã hội.

 

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, quán triệt tinh thần và quy chế thi nên việc tổ chức thi tại 25 điểm thi trên địa bàn tỉnh được bảo đảm; thí sinh làm bài thi nghiêm túc, công tác coi thi chặt chẽ, song không gây áp lực cho thí sinh. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng như: công an, y tế, điện lực… đã góp phần tạo nên thành công của kỳ thi. Trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi không có sự cố đáng tiếc xảy ra, an toàn giao thông, an ninh, trật tự trong và ngoài khu vực thi luôn được bảo đảm. Đặc biệt, công tác tổ chức thi của 25 điểm thi trên địa bàn tỉnh không hề xuê xoa, rất có trách nhiệm, nghiêm túc, chặt chẽ. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các trường đại học với Sở GD-ĐT trong việc tổ chức thi cũng rất chuyên nghiệp. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự thành công của kỳ thi.

 

Hôm nay (25/6), Cụm thi 39 sẽ bắt đầu công tác chấm thi với số lượng giáo viên chấm tự luận môn Ngữ văn là 97 người được lựa chọn từ đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm thuộc các trường THPT trong tỉnh và Trường đại học Phú Yên. Quá trình chấm thi dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 5/7. Ngày 7/7 sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia 2017.

 

Ngày 17/7, thành lập ban phúc khảo bài thi và tiến hành công tác chấm phúc khảo bài thi cho thí sinh. Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó. Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo đến hội đồng thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi sẽ công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.

 

 

GIÁO VIÊN NGUYỄN THỊ MỸ CHUNG, TRƯỜNG THPT TRẦN SUYỀN: Đề môn Lịch sử không bắt học sinh ghi nhớ máy móc

 

Về nội dung, đề thi môn Lịch sử bám sát nội dung chương trình lớp 12. Kiến thức bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Các câu hỏi phủ rộng toàn bộ chương trình theo nguyên tắc không bắt học sinh ghi nhớ một các máy móc kiến thức nên thí sinh nào “học tủ” sẽ không làm được bài. Cụ thể không có câu hỏi trực tiếp về thời gian, địa danh, nhân vật, số liệu. Điều này hạn chế tình trạng “học vẹt”, ghi nhớ máy móc kiến thức lịch sử của các em. Các câu hỏi tập trung yêu cầu thí sinh phải nắm được ý nghĩa, biết đánh giá, nhận xét… các nhân vật và sự kiện lịch sử.

 

Về cấu trúc, đề đảm bảo được cấu trúc theo các đề minh họa, đề thử nghiệm mà Bộ GD-ĐT đã công bố nên không gây bất ngờ cho thí sinh. Đề thi này vừa sức với nhiều đối tượng thí sinh trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp (tức là ở điểm 5, 6). Tuy nhiên, nếu thí sinh nào chỉ học thuộc lòng, ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì mục tiêu xét tốt nghiệp cũng khó đạt được. Đối với mục tiêu phân hóa thí sinh vào các trường đại học, vì câu hỏi cực khó không nhiều nên các trường tốp đầu khó chọn được học sinh giỏi thực sự. Vì là lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm nên đề Lịch sử khá “an toàn”, không có những câu hỏi mang tính thời sự, gắn liền với thực tiễn quê hương đất nước; không có câu hỏi khơi gợi tình cảm đối với quê hương đất nước… Đây sẽ là rào cản đối với giáo viên trong quá trình biến môn Lịch sử thành môn học yêu thích đối với học sinh.

 

 

GIÁO VIÊN BÙI THỊ NỮ, TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN: Đề môn Địa lý có tính vận dụng cao

 

Hầu hết mọi người đều cho rằng các môn xã hội nói chung, môn Địa lý nói riêng, muốn làm được bài phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, với đề thi môn Địa lý năm nay, học thuộc bài chưa đủ, mà thí sinh còn phải hiểu bài. Đề có 3 mức độ gồm: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Vì là đề thi trắc nghiệm, kiến thức phủ rộng, song phần lớn vẫn nằm trong chương trình học lớp 12. Cấu trúc đề ra như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Một số câu gây “nhiễu” cho thí sinh, các em phải đọc kỹ, chi tiết từng từ trong các đáp án và phải hiểu vấn đề mới có thể chọn được câu trả lời đúng. Đề có tính vận dụng cao, yêu cầu thí sinh hiểu biết thực tế. Các vấn đề như: ô nhiễm môi trường biển, nhiễm mặn… được đưa vào đề rất thời sự. Để làm tốt đề này, đỏi hỏi các em phải có kỹ năng sử dụng Atlat thành thạo. 40 câu trong thời gian 50 phút là hợp lý. Với đề này, học sinh trung bình nếu nắm chắc kiến thức có thể lấy điểm 4-5, học sinh khá giỏi dễ dàng lấy điểm 7-8, song sẽ rất khó để lấy điểm 9 trở lên.

 

 

GIÁO VIÊN NGUYỄN PHI TÍN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Đề môn Giáo dục công dân có tính giáo dục cao

 

Đây là lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia. Bản thân là người dạy môn này, tôi rất vui. Theo tôi, đề thi bám sát với chương trình học và cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Các câu hỏi dễ hiểu, ngắn gọn, không đánh đố học sinh, nhưng vẫn có sự phân hóa rõ ràng, tập trung ở 4 câu cuối. Tuy chương trình giáo dục công dân lớp 12 chỉ xoay quanh nội dung về luật, nhưng trong đề thi còn có thêm những câu hỏi rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em. Các vấn đề, tình huống đặt ra trong đề thi xoay quanh về an toàn giao thông, trách nhiệm với chủ quyền biển đảo quê hương, an ninh quốc phòng… mang tính thời sự, giáo dục học sinh. Chúng tôi hài lòng với điều này và cảm thấy môn học Giáo dục công dân cũng như đạo đức được coi trọng. Đề thi vừa tầm với học sinh, phổ điểm trong khoảng từ 6-8 điểm sẽ nhiều. Song để lấy được 10 điểm, học sinh phải biết tư duy, đặc biệt là câu hỏi tình huống.

 

QUỲNH ANH - HÀ MY (ghi)

 

T.HẰNG - K.HÀ - T.TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek