Thứ Sáu, 15/11/2024 15:45 CH
Đào tạo liên thông: “Siết” tuyển sinh khối ngành y, dược
Chủ Nhật, 18/06/2017 08:17 SA

Học sinh, sinh viên ngành Y muốn liên thông chính quy lên đại học phải có chứng chỉ hành nghề và phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với mỗi môn thi đạt từ 5 điểm trở lên - Ảnh: THÚY HẰNG

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 18 quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học. Trong đó có nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm siết chặt chất lượng loại hình đào tạo này. Đặc biệt, đối với khối ngành y, dược, các trường sẽ không được tổ chức đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt, dược.

 

Siết chặt chất lượng đầu vào

 

Theo Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ, việc tuyển sinh liên thông nói chung từ hệ cao đẳng lên đại học vẫn được thực hiện theo các hình thức do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định: Có thể tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia hoặc tuyển sinh theo kỳ thi riêng do trường tổ chức. Riêng với tuyển sinh liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học thì siết chặt hơn. Cụ thể, người dự tuyển bắt buộc phải dự thi cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ thi tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải bằng kỳ thi cho riêng đối tượng thi liên thông.

 

Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng sử dụng chỉ tiêu tràn lan, Quyết định 18 cũng nêu rõ chỉ tiêu tuyển sinh liên thông phải được khống chế ở mức không quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng. Và tỉ lệ 20% này được xác định dựa trên chỉ tiêu tương ứng theo ngành đào tạo, chứ không phải theo tổng chỉ tiêu của trường.

 

Trong khi tuyển sinh liên thông các ngành đào tạo nói chung không có nhiều thay đổi thì đối với khối ngành sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ quy định chỉ áp dụng thi tuyển với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10. Từ ngày 15/7/2017, 5 ngành sức khỏe sẽ không được thực hiện đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học, gồm: Y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt và dược, mà chỉ được đào tạo liên thông chính quy.

 

Ngoài ra, nếu như trước đây, Bộ GD-ĐT quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy của khối ngành sức khỏe chỉ được tối đa bằng 15% so với chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy, thì theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh của khối ngành sức khỏe không bị xét riêng mà được quy định chung giống như các ngành khác, tức là không được vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đại học chính quy tương ứng theo từng ngành đào tạo.

 

Nâng chất lượng đào tạo nhân lực ngành y, dược

 

Những năm gần đây, để thu hút thí sinh, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều mở thêm các loại hình đào tạo, trong đó có đào tạo liên thông để tạo cơ hội học tập cho những người có nhu cầu nâng cao trình độ. Và nhiều người coi đó là “đường vòng” hữu hiệu để có tấm bằng đại học, thậm chí cả bằng thạc sĩ. Cách đây 2 năm, sau đợt khảo sát việc tổ chức chương trình đào tạo liên thông, Bộ GD-ĐT đã xác nhận, chất lượng đào tạo liên thông ở mức cảnh báo. Vì có quá nhiều trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo liên thông chính quy. Việc tổ chức đào tạo liên thông quá dễ dãi đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

 

Trong số các ngành đào tạo, nhóm ngành chăm sóc sức khỏe là nhóm đặc thù, có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lớn, song lại đòi hỏi chất lượng cao. Nếu chất lượng đào tạo không thực chất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Do vậy, các quy định về đào tạo liên thông trình độ từ trung cấp, cao đẳng lên đại học từ trước tới nay đều dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực này. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 18, trong đó có nhiều quy định siết chặt đầu vào đối với tuyển sinh liên thông nhóm ngành y, dược, các trường có đào tạo nhóm ngành này đều đồng tình và cho rằng, đây là quy định cần thiết, vừa để siết chặt đầu vào, vừa tạo cơ sở để các trường tập trung nâng cao chất lượng đối với các ngành trong danh mục được đào tạo.

 

BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, chia sẻ: Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành Y tế đặc biệt quan tâm thực hiện. Việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hướng tới hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc siết chặt đầu vào công tác đào tạo liên thông đối với nhân lực nhóm ngành sức khỏe theo Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ sẽ phần nào khắc phục bất cập “thừa rất nhiều người có bằng bác sĩ nhưng rất thiếu bác sĩ thực sự”.

 

Khi nền kinh tế đang trên đà phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân tăng cao nên ngành nhóm ngành y, dược luôn là tâm điểm chú ý của xã hội. Dựa vào những yếu tố này khiến nhóm ngành y, dược luôn đứng ở vị trí tốp đầu thu hút thí sinh dự tuyển; tỉ lệ chọi và điểm trúng tuyển vào các trường đại học chuyên ngành này luôn ở mức cao. Việc Thủ tướng Chính phủ siết chặt đầu vào đối với đào tạo liên thông nhóm ngành y, dược cũng sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng trong quá trình cạnh tranh trở thành y, bác sĩ của các thí sinh.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek