Nhằm khống chế dư lượng trong sản phẩm thủy sản thấp hơn giới hạn tối đa cho phép, hiện nay, ngành thuỷ sản Phú Yên đang tiếp tục triển khai phổ biến các danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Đặc biệt, ngành hướng dẫn quy định không cho phép trộn lẫn quá hai loại chất kháng sinh trong một sản phẩm thuốc, hóa chất; không cho phép trộn lẫn các hoạt chất cùng nhóm Fluoroquinolone với nhau. Trong trường hợp một sản phẩm có chứa hai loại hoạt chất kháng sinh, cơ sở sản xuất phải có đủ bằng chứng khoa học và thực tiễn để đảm bảo trộn lẫn không làm giảm tính năng tác dụng của từng loại và không phát sinh tác dụng xấu đối với động vật nuôi và môi trường. Mọi sản phẩm thức ăn, hóa chất tẩy rửa khử trùng, hóa chất tẩy rửa ao đầm nuôi, thuốc thú y, hóa chất bảo quản thủy sản phải ghi nhãn theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03//TT-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) và kèm theo dòng chữ: “Không chứa các chất cấm sử dụng”.
1- Danh mục 17 hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản (theo Quyết định số 07/QĐ-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (cũ)
Tên hóa chất, kháng sinh: Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng, Chloramphenicol, Chloroform Chlorpromazine, Colchicine, Dapsone, Dimetridazole, Metronidazole, Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone), Ronidazole, Green Malachite (Xanh Malachite), Ipronidazole, Các Nitroimidazole khác, Clenbuterol, Diethylstibestrol (DES), Glycopeptides, Trichlorfon (Dipterex).
Đối tượng áp dụng: Thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng, chất bảo quản, kem bôi da tay trong tất cả các khâu sản xuất giống, nuôi trồng động thực vật dưới nước và lưỡng cư, dịch vụ nghề cá và bảo quản, chế biến.
2. Danh mục các hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản.
Tên hóa chất, kháng sinh: Amoxicillin với dư lượng tối đa (ppb) là 50, Ampicillin (50ppb), Benzylpenicillin (50ppb), Cloxacillin (300ppb), Dicloxacillin (300ppb), Oxacillin (300ppb), Danofloxacin (100ppb), Difloxacin (300ppb), Enrofloxacin (100ppb), Ciprofloxacin (100ppb), Oxolinic Acid (100ppb), Sarafloxacin (30ppb), Flumepuine (600ppb), Colistin (150ppb), Cypermethrim (50ppb), Deltamethrin (10ppb), Diflubenzuron (1000ppb), Teflubenzuron (500ppb), Emamectin (100ppb), Erythromycine (200ppb), Tilmicosin (50ppb), Tylosin (100ppb), Florfenicol (1000ppb), Lincomycine (100ppb), Neomycine(500ppb), Paromomycin (500ppb), Spectinomycin (300ppb), Chlortetracycline (100ppb), Oxytetracycline (100ppb), Tetracycline (100ppb), Trimethoprim (50ppb), Ormetoprim (50ppb), Tricaine methanesulfonate (15 - 330ppb), Sulfonamide (các loại) (50ppb). Mục đích sử dụng: Dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc thú y cho động, thực vật thủy sản và lưỡng cư. Cơ sở sản xuất kinh doanh phải có đủ bằng chứng khoa học và thực tiễn về thời gian thải loại dư lượng thuốc trong động, thực vật dưới nước và lưỡng cư xuống dưới mức giới hạn cho phép đối với từng đối tượng nuôi và phải ghi thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch trên nhãn sản phẩm. Dư lượng tối đa các hóa chất trên được tính trong động, thực vật dưới nước, lưỡng cư và sản phẩm động, thực vật dưới nước, lưỡng cư.
NGUYỄN THỊNH