Tại Trường đại học Phú Yên, Hội Toán học Việt Nam vừa tổ chức hội nghị Giảng dạy Toán học trong trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) với sự tham dự của các chuyên gia, giảng viên Toán học thuộc gần 80 trường đại, cao đẳng trong cả nước. Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung bàn luận là làm thế nào để đưa kiến thức toán ở bậc học này áp dụng vào thực tiễn. Báo Phú Yên xin giới thiệu những ý kiến đề xuất của một số chuyên gia tại hội nghị này.
GS-TSKH PHÙNG HỒ HẢI, PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HỘI TOÁN HỌC VIỆT NAM: Học toán không chỉ đem lại lợi ích cho riêng ngành toán
Toán là môn học nền tảng cho rất nhiều bộ môn khác trong nhiều ngành ở các trường ĐH, CĐ. Có nhiều khác biệt lớn giữa nội dung và phương pháp học tập ở trường ĐH, CĐ so với trường phổ thông. Nếu ở nhà trường phổ thông các kiến thức toán ở dạng phổ cập, nội dung mỗi tiết học ở mức độ vừa phải, thì ở trường ĐH, CĐ các kiến thức môn học sẽ chuyên sâu và có hệ thống hơn với một khối lượng lớn. Tuy nhiên, hiện nay trào lưu, khuynh hướng chung của các trường ĐH, CĐ là cắt số giờ giảng dạy của môn Toán. Chính khuynh hướng này đã dẫn đến việc dạy và học toán khá nặng nề. Còn đối với nhiều trường mà không đào tạo cử nhân, thạc sĩ về toán, thì toán chỉ xem là môn bổ trợ, môn phụ thôi.
Theo các mô hình dạy và học ở một số trường đại học uy tín trên thế giới thì họ rất chú trọng đến việc giảng dạy môn Toán, số giờ để dạy môn này là khá nhiều. Nhưng cách dạy của các trường này thì không đi quá sâu vào chuyên ngành mà luôn mang tính ứng dụng nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, hầu hết giảng viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học toán nhưng vẫn chưa đi vào thực chất và chưa có chiều sâu, chưa triệt để, chỉ mới dừng lại ở việc cải tiến phương pháp dạy học. Để môn Toán đi vào ứng dụng thực tiễn thì công tác giảng dạy của các thầy cô giáo nên tìm cách hội nhập hơn, chẳng hạn như học tập cách giảng dạy ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, làm sao để cho sinh viên của mình tự đem kiến thức toán áp dụng vào thực tiễn. Từ đó mỗi sinh viên thấy được việc học toán không chỉ đem lại lợi ích cho riêng ngành toán mà còn phục vụ cho các ngành khác nữa.
PGS-TS TỐNG ĐÌNH QUỲ, CHỦ TỊCH HỘI ỨNG DỤNG TOÁN HỌC VIỆT NAM: Vai trò của người thầy rất quan trọng
Trong giai đoạn đào tạo tín chỉ như hiện nay, thời gian giáo viên truyền đạt kiến thức trên lớp giảm, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Trong khi đó, có rất nhiều sinh viên vẫn còn quen với cách dạy và học toán ở phổ thông: Thầy dạy cái gì, học cái đó. Các em chưa thể nhìn thấy mối liên hệ giữa kiến thức toán với thực tiễn cuộc sống và ngược lại. Làm thế nào để người thầy dạy toán đạt được mục tiêu dạy học, đồng thời rèn luyện khả năng áp dụng môn học vào thực tiễn cho sinh viên, tránh sự khô khan và nhàm chán của môn Toán, mở rộng phạm vi ứng dụng môn Toán là một vấn đề cần sự nghiên cứu nghiêm túc của người giảng viên.
Không có một phương pháp dạy học nào là toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung dạy học môn Toán. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy, bản thân mỗi người thầy phải làm sao để biến toán học thành “ôsin” của các ngành khoa học khác và phải là một “ôsin” giỏi, làm sao cho học trò tiếp thu được những tinh hoa của toán học và sau này họ biết dùng toán như một công cụ để xử lý trong công việc chuyên môn mà các em đang theo đuổi. Nếu không làm được điều này thì việc dạy toán của chúng ta vẫn chỉ ở “trên trời” và học trò khi học xong toán cũng sẽ quên luôn.
GS-TSKH PHẠM THẾ LONG, NGUYÊN GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ: Toán học có sẵn trong cuộc sống
Có lẽ ai đã từng học và đang học toán đều có suy nghĩ rằng toán học ngoài những phép tính đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia... thì hầu hết các kiến thức toán khác là rất trừu tượng. Vì vậy, việc học toán trở thành một áp lực nặng nề đối với sinh viên. Thậm chí không ít người còn nghi ngờ rằng liệu toán học có ứng dụng vào thực tế được không? Sự thật là toán học có rất nhiều ứng dụng vào thực tế và nó thể hiện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày của con người nhưng chúng ta không để ý mà thôi.
Có một thực tế là các bạn trẻ học giỏi, nhiều người đạt giải Toán cấp quốc gia, đã đổ xô thi vào đại học ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin... nhưng rất ít người đeo đuổi niềm đam mê nghiên cứu toán học. Đây là thực trạng đáng suy nghĩ cho nền tảng phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay. Chính vì thế vai trò của các bài toán có nội dung thực tế trong dạy học toán là không thể không đề cập đến.
Toán học có vai trò quan trọng như vậy không phải là do ngẫu nhiên mà chính là sự liên hệ thường xuyên với thực tiễn, lấy thực tiễn làm động lực phát triển và là mục tiêu phục vụ cuối cùng. Chính vì lẽ đó, sự nghiệp GD-ĐT trong thời kỳ đổi mới hiện nay, nhất là với môn Toán, phải góp phần vào việc bồi dưỡng cho người học tiềm năng trí tuệ, tự duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, đáp ứng được với thực tế cuộc sống, chứ không phải là những mẹo mực để giải toán.
TS VŨ TIẾN VIỆT, HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN: Khai thác các ưu điểm phù hợp với yêu cầu mới
Toán học là môn học khó, có nhiều ứng dụng mang tính logic, đòi hỏi ở người học luôn luôn làm việc với tư duy cao, sâu sắc, chính xác và cần phải thực sự say mê trong học tập nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng việc giải quyết các vấn đề nhận thức trong khoa học chuyên môn thì người học vẫn chưa được chuẩn bị tốt cho việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Vì vậy, bên cạnh những phương pháp chung có thể sử dụng cho nhiều bộ môn khác nhau thì việc sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù có vai trò quan trọng trong dạy học bộ môn Toán.
Đa số sinh viên hiện nay bị hỏng kiến thức rất nhiều ở bậc phổ thông, vì vậy dễ chán nản và không ham thích học toán nên kết quả học tập chưa cao. Đổi mới phương pháp dạy học Toán nằm trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học toàn cục, đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ các phương pháp dạy học cũ mà phải dựa trên nền tảng đó, khai thác các ưu điểm phù hợp với yêu cầu mới, mục đích mới, đặc biệt là khối cao đẳng, đại học, giúp cho các em hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động.
TS BÀNH ĐỨC DŨNG, GIẢNG VIÊN TOÁN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH: Không thể cắt giảm các môn học toán
Toán học cho mỗi trường, mỗi ngành nghề có tiêu chí, mục tiêu khác nhau. Và mình phải căn cứ vào đó để có cách giảng dạy. Thông qua quan sát và thực tiễn giảng dạy ở trường, tôi nhận thấy kết quả học tập môn Toán của sinh viên còn chưa cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Toán là một nhiệm vụ cần thiết và đòi hỏi sự hợp tác của cả nhà trường, sinh viên và giảng viên. Nhấn mạnh vai trò của toán trong các trường ở khối kỹ thuật, theo ý kiến cá nhân tôi thì không thể cắt giảm các môn học toán, đối với đại học kỹ thuật thì càng không. Giả sử như sinh viên kỹ thuật không có nền tảng về toán tốt thì rất khó để học các môn chuyên ngành khác. Như hiện tại trường chúng tôi, thì mỗi sinh viên phải học ít nhất là 12 tín chỉ toán. Trong đó có nhiều dạng như Toán cao cấp, Toán chuyên đề và Toán chuyên ngành…
Việc học toán đối với nhiều sinh viên là khó tiếp thu, vì vậy để môn học này đến gần với sinh viên hơn thì chúng ta cần cụ thể hóa ứng dụng toán áp dụng vào thực tiễn, để Toán học mang những giá trị chung khi ứng dụng vào từng lĩnh vực...
TS PHAN THẾ HẢI, GIẢNG VIÊN TOÁN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM BÀ RỊA - VŨNG TÀU: Cần tìm được tiếng nói chung trong giảng dạy
Ngoại trừ các ngành về khoa học xã hội, hiện nay, hầu hết các ngành học đều có các nội dung môn Toán nằm trong hệ thống các môn học đại cương với các tên gọi khác nhau như giải tích, đại số, xác suất thông kê… Tuy nhiên, chất lượng đào tạo môn Toán tại một số trường hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đào tạo trong tình hình mới. Vì vậy, việc tìm một tiếng nói chung để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các nội dung toán học trong các trường ĐH, CĐ là một việc làm cấp thiết và mang tính thời sự.
Nhằm xây dựng nội dung môn học có hiệu quả, trường chúng tôi yêu cầu các tổ chuyên môn khác có liên quan đến chương trình đào tạo đề xuất các nội dung toán học cốt lõi nhất mà các môn học đang cần trong chương trình đào tạo. Sau đó, tổ toán thu thập lại các thông tin và trên cơ sở đó để đưa vào các nội dung cần thiết phải giảng dạy. Sau khi đã có các nội dung trong một môn học, bài giảng phải có các ví dụ và các bài tập liên hệ nhiều đến các bài toán thực tế và ngành học.
Việc tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Nếu chúng ta cùng tìm được tiếng nói chung để đề ra được nhiều giải pháp thì chắc chắn chất lượng đào tạo của chúng ta sẽ được nâng lên.
THÚY HẰNG (thực hiện)