Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chậm nhất là 5 tháng tới, Bộ Thông tin truyền thông và Giáo dục đào tạo phải công bố chuẩn này cho các trình độ. Đồng thời trình đề án thành lập cơ quan kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận đạt chuẩn.
Việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin được khuyến khích xã hội hóa và sự tham gia của mọi ngành, cấp, và doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện nhân cho rằng đào tạo nhân lực CNTT là phải đạt chuẩn và theo nhu cầu xã hội chứ không theo khả năng như trước."Về chuẩn, tôi cho rằng chúng ta phải theo kinh nghiệm quốc tế chứ đừng tự xây dựng lấy", ông Nhân nói. "Việc kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận đạt chuẩn có thể xã hội hóa cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia. Chủ trương là khuyến khích doanh nghiệp mở trường đào tạo CNTT”.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đề xuất với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân xã hội hóa giáo dục CNTT mà trong đó trọng tâm là đào tạo thày. Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã hoàn thiện bản quy hoạch phát triển nguồn nhân lực với mấu chốt là việc cho ra đời chuẩn đào tạo CNTT.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Vũ Đức Đam cho biết vấn đề tâm huyết của những người soạn thảo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực là trung tâm kiểm định chất lượng trình độ. "Để khắc phục được vấn đề thiếu thày, chúng tôi đề nghị mở thật nhiều trung tâm tin học. Nhưng song song với đó chúng ta phải làm chuẩn CNTT và cho ra đời các trung tâm thẩm định chuẩn. Vậy là đào tạo thì cứ đào tạo, học cứ học, nhưng thi thì phải có chuẩn", ông Đam nói.
Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình hiến kế: “Cần đặt mục tiêu 1 triệu lập trình viên đến năm 2015. Chỉ cần tập trung sức mạnh của toàn xã hội, thành lập 10-20 trường thuộc doanh nghiệp kiểu như Đại học FPT, còn các Bộ Giáo dục đào tạo và Thông tin truyền thông đào tạo thày... thì điều đó là hoàn toàn có thể đạt được”.
Theo ông Bình, phát triển phần cứng trong thời gian tới sẽ rất mạnh bởi lẽ rất nhiều tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Samsung hay Foxconn đều có những dự án lớn đối với VN. Chẳng hạn Samsung có kế hoạch “đặt hàng” 100 triệu thiết bị thoại cầm tay tại Việt Nam và đang tiến hành khảo sát lựa chọn giữa Hòa Lạc và Bắc Ninh để đầu năm 2009 có thể đi vào sản xuất.... “Vấn đề là chúng ta có nắm bắt được cơ hội từ việc các hãng phần cứng vào VN hay không mà thôi. Phần mềm nằm trong thiết bị cứng là thị trường cực lớn và cần phải chớp lấy thời cơ có được các hợp đồng phần mềm nhúng, phần mềm chuyển đổi.... từ việc sản xuất điện thoại hay máy bay ở VN”, ông Bình nói.
Người đứng đầu Bộ Thông tin truyền thông cho rằng trong định hướng phát triển không thể bỏ qua 4 "bánh xe" trụ cột gồm: ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng vào đào tạo nguồn nhân lực. "Riêng đối với đào tạo nguồn nhân lực, tôi đề nghị tăng ngân sách Nhà nước để kích cầu. Chúng tôi sẽ thực hiện theo hướng tập trung mọi loại hình, từ chính quy, tập trung, bổ túc đến đào tạo từ xa hay huấn luyện chuyên sâu với sự tham gia của mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực...", ông Lê Doãn Hợp đề xuất trong buổi làm việc sáng 12/10 với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. "Chúng tôi cũng hy vọng có thể đưa Học viện Bưu chính Viễn thông về Bộ để làm giáo dục chuyên sâu ngành CNTT - truyền thông, đặc biệt là đào tạo cán bộ quản lý".
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Bộ Giáo dục đào tạo và Thông tin truyền thông cần có cam kết nội bộ để mỗi công ty CNTT nước ngoài vào là có thể ký hợp đồng cung cấp nhân lực để vừa làm, vừa học, vừa phát triển.
Hiện tại, VN có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các công ty phần mềm (trên 95% có chuyên môn CNTT), khoảng 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT (với 65% có chuyên môn), gần 100.000 lao động trong các công ty điện tử, phần cứng máy tính (khoảng 70% có chuyên môn gần 100 lao động trong các doanh nghiệp viễn thông, với 60% có chuyên môn và ước tính khoảng 90.000 nhân lực chuyên trách ứng dụng CNTT trong tổ chức thuộc ngành khác. Mục tiêu trọng tâm trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến 2020 mà Bộ Thông tin truyền thông hoàn thiện và sẽ phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng là tăng tỷ lệ phổ cập CNTT ở cấp phổ thông lên 80%. |
Theo VNE