Những ngành nghề thuộc nhóm khoa học kỹ thuật - công nghệ tuy không nằm trong tốp ngành thời thượng nhưng đây là nhóm ngành luôn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực hiện nay và dự tính sẽ tăng cao trong nhiều năm tới.
Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2017, những thí sinh quan tâm đến nhóm ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ đều có chung băn khoăn đó là nhóm ngành này có các chuyên ngành gì, công việc sau này ra sao, nhu cầu nhân lực từng ngành như thế nào? Muốn học tốt các ngành này thì các em phải giỏi những môn nào?
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), cho biết: Tại các trường có đào tạo khối ngành khoa họckỹ thuật - công nghệ đều có thông tin về các chuyên ngành. Các em muốn thi vào trường nào thì tìm hiểu cụ thể trên website của trường đó. Đối với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với truyền thống đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, hiện trường là một trong số ít các trường đủ tiềm lực được giao nhiệm vụ đào tạo kỹ sư Công nghệ kỹ thuật ô tô ở phía Nam.
TS Thưởng nhấn mạnh, bất cứ ngành nào cũng có nhu cầu về nhân lực. Đặc biệt trong hiện tại và tương lai, lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ đang ngày càng phát triển. Cụ thể, liên tục trong nhiều năm qua, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động của TP Hồ Chí Minh đều đưa Công nghệ ô tô vào danh mục các ngành “nóng” về nhu cầu lao động. Bằng chứng là các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ như BMW, Toyota, Honda hay Ford tại Việt Nam… đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng “nguồn” vẫn không đủ.
Trong khi đó, chia sẻ về những nhu cầu việc làm của nhóm ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ThS Lương Đình Thành, Phó Phòng Đào tạo của trường này, cho hay: Nhóm ngành điện - điện tử những năm gần đây đã phát triển thêm hướng mới, có thêm công nghệ thiết kế vi mạch. Người học nhóm ngành này có thể làm việc tại các công ty về điện tử, viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất phần mềm hoặctự mở doanh nghiệp để kinh doanh về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tùy vào khả năng của các em. Muốn học giỏi ngành điện tử, công nghệ thông tin thì em phải giỏi môn Toán và Vật lý.
ThS Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết: “Lĩnh vực giao thông các năm vừa qua cho thấy, nhóm ngành liên quan đến hàng hải, xây dựng công trình có nhu cầu tuyển dụng cao”. Liên quan đến nhóm ngành này, PGS-TS Vũ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cung cấp thêm: Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp của trường đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Theo các chuyên gia tư vấn, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đây cũng là một kênh để các thí sinh tham khảo chọn ngành.
Cơ hội việc làm của nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ luôn rộng mở nhưng cạnh tranh cũng rất cao. Để có việc làm khi ra trường, các em cần chuẩn bị đủ hành trang cần thiết, bởi những gì các em học ở trường đại học là học về một ngành, về kiến thức chuyên môn ở một lĩnh vực nào đó, nhưng cơ hội việc làm khi ra trường để xin, phỏng vấn vào các công ty, xí nghiệp lại phụ thuộc nhiều yếu tố. ThS Cổ Tấn Anh Vũ chia sẻ: “Bên cạnh chuyên ngành được đào tạo ở trường, các em còn phải chuẩn bị rất nhiều kiến thức để đáp ứng vào vị trí cụ thể ở các đơn vị. Các em phải làm sao cho nhà tuyển dụng thấy được các em có thể đáp ứng tốt ở vị trí đó, nhu cầu tuyển dụng đó”.
MẠNH THÚY