Qua một năm triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg, Phú Yên đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Song, để chương trình này mang lại hiệu quả cao, các cấp ngành cần chung tay “gỡ rối” một số vấn đề. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh về nội dung này.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lê Văn Hữu - Ảnh: KIỀU MY |
* Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được sau một năm triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg?
- Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt với ngành Giáo dục trong việc tham mưu cho cấp ủy và chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, làm nòng cốt cho Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh và cấp huyện. Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án Đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 của tỉnh; đồng thời chọn xã Hòa Thành và xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), thị trấn La Hai và xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) làm điểm triển khai chương trình các mô hình học tập. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, việc tập huấn cho cán bộ, hội viên để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của các mô hình học tập. Đến nay, toàn tỉnh có 26.440 gia đình học tập, 148 dòng họ học tập, 195 cộng đồng học tập cấp thôn, 210 đơn vị học tập ở cơ sở. Điều này phản ánh xu thế tích cực trong việc chuyển xây dựng mô hình hiếu học và khuyến học sang mô hình học tập.
Qua một năm triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức Hội Khuyến học trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt và xây dựng được nhiều mô hình về dòng họ học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập. Nhờ đó đã tạo bước chuyển tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên Hội Khuyến học và nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng học tập. Vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức sơ kết một năm triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg.
* Bước đầu triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg, ông nhận thấy những vấn đề gì còn vướng mắc?
- Một số địa phương, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn chưa có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát; các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc tuyên truyền, tổ chức cho người dân đăng ký các mô hình xã hội học tập, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá và công nhận. Thêm vào đó, một số ít bộ phận nhân dân chưa quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hầu hết các tiêu chí, quy trình đánh giá, công nhận các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/khu phố và “Đơn vị học tập” ở cơ sở phù hợp với địa phương, đơn vị, song, còn một số nội dung cần phải điều chỉnh. Việc tổ chức đăng ký các mô hình học tập, không cần thiết từng gia đình, dòng họ phải làm đơn đăng ký bởi lẽ điều này vừa gây khó khăn cho các gia đình, dòng họ, vừa tốn kém kinh phí, gây phức tạp trong công tác quản lý hồ sơ lâu dài ở cơ sở. Bên cạnh đó, hiện nay, nhân sự Hội Khuyến học cấp xã chỉ có một người, nên cần đơn giản quy trình đánh giá công nhận gia đình, dòng họ học tập bằng cách giao cho ban chấp hành chi hội, tổ hội cơ sở phối hợp với trưởng, thôn và Ban Công tác Mặt trận tổ chức kiểm tra, đánh giá, bình xét gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học gắn với xét gia đình văn hóa, sau đó lập thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận.
Ngoài ra, một số tiêu chí quy định đánh giá, công nhận các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/tổ dân phố và “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý quá cao, cần xem xét hạ chuẩn. Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập” ở huyện, gây khó khăn cho việc triển khai.
Dòng họ Nguyễn ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) trao thưởng cho con cháu đạt thành tích học tập tốt - Ảnh: KIỀU MY |
* Thời gian tới, cần làm gì để việc triển khai xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” cấp thôn/khu phố và “đơn vị học tập” cấp cơ sở mang lại kết quả cao, có tác dụng động viên nhân dân đẩy mạnh việc học tập suốt đời, thưa ông?
- Năm 2017, Hội Khuyến học tỉnh đưa ra chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã, như sau: 50% cán bộ, hội viên được tập huấn về xã hội học tập và về các mô hình học tập; 30% gia đình học tập; 20% dòng họ học tập; 30% cộng đồng học tập; 20% đơn vị học tập. Muốn đạt được các chỉ tiêu này, trước tiên, các cấp ngành, địa phương cần phải xác định rằng hương trình triển khai đại trà các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg là tiền đề để xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh ở địa phương và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc xây dựng các mô hình học tập; vận động, tổ chức cho người dân và các đơn vị đăng ký xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” cấp thôn/khu phố và “đơn vị học tập” cấp cơ sở.
Dựa trên các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế. Ngành Giáo dục địa phương cũng cần xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện, cũng như trong công tác phối hợp với các cấp Hội Khuyến học trong thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg về triển khai chương trình đại trà các mô hình học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại đề án Đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
KIỀU MY