Thứ Ba, 01/10/2024 18:37 CH
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017:
Mừng, lo khi bỏ quy định điểm sàn đại học
Chủ Nhật, 25/12/2016 09:26 SA

Năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không đưa ra điểm sàn như mọi năm - Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên 2017 với nhiều điểm mới quan trọng có lợi cho thí sinh và các trường. Trong đó, đáng chú ý là Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) đầu vào như mọi năm.

 

Nhiều điểm mới

 

Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Phú Yên) Trần Đức Phúc cho biết: Một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2017 vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra, đó là lần đầu tiên kể từ năm 2002 khi thực hiện 3 chung, bộ chính thức “buông” điểm sàn đại học. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT thì việc dự kiến bỏ điểm sàn là bước thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục đại học. Theo đó, các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình.

 

Một điểm mới nữa của dự thảo quy chế này là tạo điều kiện rộng hơn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển các ngành nghề như thí sinh không cần phải tới tận nơi mà đã nộp ngay từ ban đầu và chỉ thực hiện điều chỉnh sau khi thi. Với cách thức tuyển của năm nay, thí sinh sẽ quen với việc đăng ký trực tuyến ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mặt khác, theo dự thảo này, thí sinh cũng có vô vàn cơ hội trong việc xét tuyển vì không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lượng trường đăng ký. Tuy nhiên theo ông Phúc, dù “mở” như thế nhưng thí sinh cũng phải biết lượng sức mình, nếu có điều chỉnh thì khả năng cũng không thay đổi nhiều so với nguyện vọng đăng ký ban đầu. Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin ĐKXT và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

 

Dự thảo mới cũng quy định, xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần. Theo đó, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

 

Lo chất lượng đầu vào

 

Theo các chuyên gia giáo dục, những thay đổi của dự thảo lần này tương đối thuận lợi cho các trường và thí sinh, nhất là việc tăng khả năng chủ động trong tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán đồng, vẫn còn đó không ít băn khoăn lo lắng của các chuyên gia giáo dục về cả chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đối với hệ đào tạo này.

 

TS Trần Lăng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên, cho biết: Những năm trước, dù có điểm sàn nhưng nhiều em tốt nghiệp THPT có điểm dưới sàn vẫn vào được đại học bằng hình thức xét tuyển bằng học bạ nên điểm sàn gần như không có nhiều ý nghĩa. Dù biết rằng điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ranh giới giữa các cấp, bậc học, đồng thời cũng là để khống chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu của các trường. Nếu bỏ điểm sàn, các trường tha hồ tuyển, rất dễ dẫn đến tình trạng đầu vào yếu, sinh viên học không nổi, ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên thất nghiệp. “Để đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường, vấn đề cốt lõi ở đây không phải bỏ hay không bỏ điểm sàn mà là Bộ GD-ĐT nên nâng cao quyền tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh. Bộ không nên can thiệp vào công tác tuyển sinh của các trường, vì một khi các trường tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh thì các trường sẽ chủ động trong đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra của người học”, TS Trần Lăng nói.

 

Đồng quan điểm này, ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho rằng bỏ điểm sàn đồng nghĩa với việc các trường tự quyết định trong tuyển sinh, điều này tương đối thuận lợi cho các trường tốp trung và tốp dưới. Tuy nhiên, các trường tốp trung và tốp dưới cũng sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bị động vì phải chờ các trường tốp trên tuyển sinh xong rồi mới đến lượt mình. “Do không xác định ngưỡng điểm đầu vào, nên đây có thể là cơ hội để một số trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ tập trung vào đầu vào mà phải được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường”, ThS Nguyễn Vân Trạm chia sẻ.

 

Theo các chuyên gia giáo dục, về lâu dài, có thể bỏ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng hiện nay thì không được bởi hệ thống giáo dục đại học còn nhiều bất cập, sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của các trường còn rất lớn, trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp. Đa phần các trường đại học chưa được kiểm định chất lượng nên bỏ điểm sàn sẽ tạo cơ hội cho các trường tốp dưới lợi dụng tuyển những học sinh không đủ năng lực vào học.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek