Thứ Ba, 01/10/2024 22:36 CH
 Đảm bảo vệ sinh, tăng sức đề kháng
Thứ Năm, 22/12/2016 13:00 CH

Thanh niên TP Tuy Hòa dọn dẹp ao tù nước đọng - Ảnh: TRUNG HIẾU

Những năm gần đây, chưa có năm nào ở miền Trung nói chung, Phú Yên nói riêng lại chịu hậu quả nặng nề như đợt mưa lũ vừa qua. Chỉ hơn một tháng đã xảy ra 4 trận lũ lụt làm thiệt hại nhiều về người và tài sản của người dân, gây tổn thất nặng về kinh tế. Lũ lụt xảy ra liên tục làm cho việc xử lý môi trường hết sức khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Hơn nữa, người dân đã quá mệt mỏi đối phó với mưa lũ, kèm theo khó khăn trong việc đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, trong khi lại làm việc quá sức, lo lắng… là những yếu tố dễ mắc các loại bệnh. 

 

Mới đây, trong chuyến thăm và chỉ đạo ngành Y tế Phú Yên khắc phục hậu quả sau lũ lụt, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý: Sau lũ lụt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là vô cùng lớn. Do đó, ngành Y tế cần chủ động triển khai các biện pháp làm sạch môi trường; xử lý tốt các nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo người dân có nước sạch để sử dụng; tuyên truyền cho người dân tuyệt đối phải ăn chín uống chín; quản lý tốt địa bàn, điều tra dịch tễ học, giám sát ca bệnh cũng như dự báo nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

 

Sau lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, ngành chức năng và người dân chưa kịp xử lý hoặc xử lý chưa xong thì tiếp tục gánh đợt lũ lụt mới, vì vậy nguy cơ ô nhiêm môi trường rất cao. Trong khoảng thời gian này, cần lưu ý đến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) do mưa, lũ làm muỗi sinh sản nhiều. Môi trường không đảm bảo, trình trạng thiếu nước sạch; rau, quả bị ô nhiễm là những nguy cơ gây bệnh tiêu chảy, lỵ, thương hàn. Bệnh viêm kết mạc do vi rút cũng thường xảy ra sau lũ lụt, lây lan nhanh do thiếu nước sạch và dùng chung khăn lau mặt; dịch bệnh hay xảy ra ở các trường học, đặc biệt trường mầm non và tiểu học. Lụt làm phân người, phân gia súc, gia cầm mang theo mầm bệnh giun sán xâm nhập vào nguồn nước, thực phẩm bị ô nhiễm… gây bệnh cho người. Ngoài ra, một số bệnh khác cũng có thể bùng thành dịch như bệnh nấm da, nấm kẽ chân tay.

 

Bên cạnh đó, nhiều bệnh lý tuy không bùng phát thành dịch, nhưng số lượng người bệnh tăng lên sau lũ lụt do lo lắng nhiều, mất ngủ, ăn uống thiếu chất... làm cho sức đề kháng giảm, dẫn đến bệnh gia tăng như: viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm thanh quản, nhất là ở trẻ em và người già, người có bệnh mãn tính; tai biến mạch máu não cũng gia tăng do thời tiết thay đổi, độ ẩm tăng, trời lạnh kèm theo gió. Đây chính là nguyên nhân gây đột quỵ, nhất là đối với những người có bệnh lý tim mạch. Sau lũ lụt, bệnh tật nói chung, bệnh bùng phát thành dịch nói riêng đều có nguy cơ tăng cao, tần suất mắc nhiều hơn so với bình thường.

 

Để phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt hiệu quả, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư cần vệ sinh môi trường triệt để: nạo vét bùn trong nhà, những nơi sinh hoạt, làm khô nhà cửa, thông thoáng nơi ở, không để nước tù đọng trong khu vực sinh sống; diệt ruồi, muỗi, đảm bảo có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Đặc biệt, người dân phải ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm an toàn, không dùng thực phẩm đã biến chất hay không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh hay sau khi cầm nắm các dụng cụ công cộng; sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Đây là điều hết sức cần thiết, tránh tình trạng sau nhiều ngày lũ lụt, sức đã yếu, ăn uống không đầy đủ lại cố dọn dẹp, làm việc quá sức nên rất dễ bị bệnh. Lưu ý việc mặc đủ ấm, không nên đi ra ngoài trời lạnh, mưa nếu không cần thiết; cần giữ ấm vùng ngực, mũi họng. Khi có dấu hiệu bệnh lý cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

 

Làm tốt những khuyến cáo trên, chắc chắn chúng ta sẽ phòng chống được dịch bệnh sau lũ lụt một cách hiệu quả.

 

Tăng cường phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

 

Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Yên, qua hai đợt mưa lũ, có 21 cơ sở y tế, chủ yếu là các trạm y tế xã nằm trong vùng bị ngập, tổng thiệt hại qua hai đợt mưa lũ ước tính khoảng 1,2 tỉ đồng. Đợt 1, ngành Y tế đã xử lý tất cả 17.467 giếng nước bị ô nhiễm, đợt 2 xử lý 5.415 trong tổng số 10.342 giếng nước bị ô nhiễm và tiếp tục xử lý những giếng nước sinh hoạt bị ô nhiễm khi nước rút. Sở Y tế đã giám sát công tác phòng chống lũ lụt tại một số đơn vị y tế trong tỉnh, chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng vệ sinh, xử lý hóa chất khử trùng tại các địa phương bị ngập. Sở Y tế cũng chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cử đoàn công tác làm việc với tổ thực phẩm của trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn người dân sử dụng các loại thực phẩm an toàn, đặc biệt là dùng nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Các cơ sở điều trị cũng tổ chức tốt công tác thu dung, khám, chữa bệnh và cấp cứu kịp thời cho nhân dân trong vùng lũ lụt; chưa phát hiện dịch bệnh bùng phát.

 

Bộ Y tế đã hỗ trợ Phú Yên 200.000 viên Cloramin B, 50 cơ số thuốc và 50 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 150 áo phao. Cục Y tế dự phòng cũng đã cấp 100 lít hóa chất diệt côn trùng, 200kg bột Cloramin B; Viện Pasteur Nha Trang cấp 350kg Chloramin B. Số vật tư, hóa chất này đã được ngành Y tế Phú Yên phân phát về các đơn vị y tế cơ sở, để chủ động phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ các vật tư, hóa chất cho ngành Y tế Phú Yên, như: 200.000 viên Cloramin B, 1.000kg Cloramin B dạng bột, 100 lít hóa chất diệt côn trùng HAN-PEC, 50.000 viên Aquatab, 50 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 50 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 100 áo phao, đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế cho trạm y tế các xã bị thiệt hại do lũ lụt như An Định, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An) với số tiền 4,5 tỉ đồng để phục vụ công tác khám chữa bệnh, đầu tư xây dựng cơ sở cho trạm y tế các xã trên từ nguồn vốn hỗ trợ của EU.

 

Trong chuyến công tác tại Phú Yên mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó với dịch bệnh của ngành Y tế Phú Yên trong hai đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời đề nghị ngành Y tế Phú Yên tiếp tục chủ động phòng chống các dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ lụt, đặc biệt là dịch bệnh SXH. Bộ Y tế sẽ xem xét, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số trạm y tế xã theo đề xuất của Sở Y tế Phú Yên từ nguồn vốn hỗ trợ của EU. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã đi thăm Trạm Y tế xã An Hiệp, nơi chịu tổn thất nặng nề trong đợt lũ lụt vừa qua.

 

QUỐC HỘI

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek