Thứ Tư, 12/02/2025 21:55 CH
Tiết kiệm điện năng bằng các thiết bị mới
Thứ Hai, 24/09/2007 10:00 SA

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp và người dân đã phải gồng mình với khoản chi phí điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, do nhận thức của người sử dụng cũng như của các đơn vị lắp thiết bị, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm dựa vào thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, an toàn vẫn chưa được phổ biến.

 

070924-TS-Khai1.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đo các thiết bị điện ở Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT

 

TIẾT KIỆM ĐIỆN KHÔNG PHẢI LÀ TẮT ĐIỆN

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hóa điện hóa, người đã chuyển giao các giải pháp tiết kiệm điện ở Phú Yên, cho hay: “Nhiều người cho rằng tiết kiệm điện (TKĐ) là phải cắt điện ở những nơi kém quan trọng hơn. Điều này thật ra không đúng, thậm chí còn phản tác dụng. Xét trên khía cạnh nào đó, nó gây ra sự lãng phí rất lớn”. Ông giải thích: Điện năng chiếu sáng trên toàn thế giới chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lượng điện tiêu thụ, riêng điện chiếu sáng dùng cho đường phố chỉ chiếm 3%. Cho nên, việc tắt một nửa số đèn đường phố trong giờ cao điểm chỉ có tác dụng... gây tai nạn chứ không tiết kiệm được bao nhiêu điện. Để TKĐ, ta phải dùng những thiết bị tiết kiệm điện năng, biến đổi điện năng thành cơ năng, hóa năng, nhiệt năng, quang năng và ngược lại. Thay vì cắt điện nên nghĩ tới việc giảm lượng tiêu thụ xuống...

 

Từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị định về tiết kiệm điện nhưng ở các cơ quan Nhà nước, cơ sở kinh doanh, tình trạng lãng phí điện vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết vẫn là vấn đề nhận thức.

 

Trong khi đó, cũng có đơn vị nảy ra “sáng kiến” TKĐ nhưng thực chất là gây thêm tốn kém, lãng phí. Tiến sĩ Khải bức xúc: “Một số đơn vị có nhiệm vụ trang bị hệ thống chiếu sáng đã cố tình sử dụng các bóng đèn có hiệu suất thấp lắp cho các chung cư, trường học, những nơi công cộng… để rồi người dân phải tự động thay lại bóng đèn tiết kiệm điện bằng tiền của mình”.

 

070924-Thiet-bi-dien.jpg

Khách hàng quan tâm đến thiết bị tiết kiệm điện ở một cửa hàng tại TP Tuy Hòa  - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG MỚI

 

Phú Yên là một trong những tỉnh sớm sử dụng hệ thống chiếu sáng mới cho phòng học (năm 2004). Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên là nơi đầu tiên trong cả nước sử dụng hệ thống chiếu sáng mới ở phòng nuôi cấy mô. Kết quả của việc dùng 200 bóng đèn TKĐ là cây phát triển đồng đều hơn, khoẻ hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn và tiền điện giảm được 2 triệu đồng/tháng. Mô hình này hiện đang ứng dụng cho Trung tâm Giống cây trồng và Trường Đại học Phú Yên.

 

Việc TKĐ thực ra rất phức tạp vì phải dùng rất nhiều loại đèn, nhiều thiết bị cho rất nhiều đối tượng, không chỉ tiết kiệm đối với người tiêu dùng mà còn tiết kiệm hao phí trên đường dây. Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên đang thử nghiệm để chuẩn bị thực hiện đề tài “Nghiên cứu, áp dụng các thiết bị điện hợp lý, hiệu quả theo hướng tiết kiệm năng lượng tại Sở Khoa học - Công nghệ”. Đơn vị đang tiến hành thay đổi số dụng cụ, thiết bị, đèn chất lượng thấp, có thời gian sử dụng khá lâu. Các thiết bị hiện đại sẽ được sử dụng phù hợp với năng suất để có thể hỗ trợ cho việc TKĐ. Nếu phòng họp, phòng làm việc… không có người thì đèn tắt và khi có người đi lại, đèn sẽ tự động bật sáng. Còn ở các hành lang, lúc trời tối đèn sẽ sáng và khi trời hửng sáng thì đèn lại tắt… Thiết bị này phù hợp với trường học, giá chỉ bằng 2 bóng đèn compact.

 

Hiện đèn ống huỳnh quang, cao áp, natri… ở đường phố đều dùng chấn lưu; các quạt, các động cơ đều dùng các cuộn dây nên cần phải lắp thêm tụ bù để giảm hao phí điện năng do công phản kháng trên đường dây. Điều này làm lợi cho đơn vị cung cấp lẫn người sử dụng điện. Việc đo lại cos phi của các thiết bị điện cho thấy: Dùng bóng đèn T8 có 1 huỳnh quang và chấn lưu điện tử thì công suất tiêu thụ chỉ khoảng 42 W, trong khi đó, dùng bóng T10 và chấn lưu sắt từ thường công suất tiêu thụ là 50 W và độ rọi sáng kém hơn 20%. Khi lắp máng hợp lý thì vừa tiết kiệm được điện, vừa nâng độ rọi sáng trên mặt bàn từ 1.000 lux tăng lên 2.500 lux. Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên phối hợp với tiến sĩ Nguyễn Khải chế tạo ra các máng phù hợp với đối tượng cần chiếu sáng.

 

Theo các chuyên gia ngành điện, hiện ở các cơ quan, độ rọi sáng trên bàn làm việc thường ở mức 100 – 150 lux, chỉ đạt 1/3 yêu cầu. “Giá như mọi người biết tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách kéo rèm và kê bàn hợp lý thì vừa đảm bảo ánh sáng lại vừa TKĐ - tiến sĩ Khải nói. Ông còn trăn trở: “Tiếc rằng hiện chưa có cơ chế, chính sách đúng đắn và cụ thể của Nhà nước cho TKĐ. Các đề tài khoa học của Bộ Khoa học - Công nghệ cũng chưa chú ý đến việc này. Nếu không nghiên cứu sản xuất thì làm sao có các thiết bị TKĐ hiệu suất cao?”.

 

MINH NGUYỆT

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek