Thứ Năm, 03/10/2024 16:10 CH
Thông tư 22 bổ sung, thay thế thông tư 30:
Định lượng hơn trong đánh giá học sinh tiểu học
Thứ Tư, 26/10/2016 07:53 SA

Một tiết học của cô trò Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa - Ảnh: HÀ MY

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 22 quy định đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và khắc phục những bất cập của Thông tư 30. Ngay sau khi ra đời, với tinh thần đổi mới, thiên về định lượng, Thông tư 22 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ, giáo viên; kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi mới trong giáo dục tiểu học.

 

Gỡ những “điểm nghẽn”

 

Tại Trường tiểu học Bạch Đằng (TP Tuy Hòa), cán bộ, giáo viên rất phấn khởi đón nhận Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học. Theo thầy Nguyễn Phát, Hiệu trưởng nhà trường, qua 2 năm thực hiện, Thông tư 30 đã góp phần đánh giá học sinh tiểu học một cách toàn diện hơn và giảm bớt áp lực về điểm số. Tuy nhiên, thông tư này cũng bộc lộ một số bất cập, nhất là tạo ra nhiều áp lực đối với giáo viên tiểu học trong việc đánh giá, nhận xét học sinh. Khi Thông tư 22 được Bộ GD-ĐT ban hành, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai cho các thầy cô giáo và thảo luận, để có sự đối chiếu, so sánh. Thầy Phát chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Thông tư 22 thay đổi và điều chỉnh 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30. Theo đó, những điểm mới của Thông tư 22 tập trung vào 3 vấn đề chính: Một là thay đổi cách đánh giá học sinh theo mức độ; hai là quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán; ba là quy định rõ ràng, cụ thể hơn về khen thưởng đối với học sinh. Các thay đổi này giúp giáo viên, nhà trường dễ dàng đánh giá học sinh hơn, khắc phục được những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện Thông tư 30”.

 

Đa số giáo viên của các trường tiểu học phản hồi rằng những thay đổi căn bản của Thông tư 22 đã góp phần giảm áp lực trong việc ghi nhận xét đánh giá học sinh, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Đánh giá học sinh theo Thông tư 30, chúng tôi rất mệt vì phải đánh vật với nhiều loại sổ sách. Nay áp dụng thông tư mới, chúng tôi rất phấn khởi vì không phải mất nhiều thời gian làm hồ sơ, sổ sách. Thay vì có 5 loại như trước đây, nay hồ sơ đánh giá chỉ còn học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bộ GD-ĐT cũng quy định mẫu học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp nên khâu này mang tính đồng bộ, thống nhất cao”.

 

Một điểm mới nữa là mức đánh giá học sinh, trước đây chỉ hai mức là hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá này nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh. Thông tư 22 ra đời khắc phục nhận xét bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. “Chúng tôi rất đồng tình với sự điều chỉnh này, vì 3 mức đánh giá sẽ giúp giáo viên, phụ huynh lượng hóa, nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả rèn luyện của học sinh. Việc đánh giá sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp thông tin phản hồi hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh để phụ huynh biết. Đồng thời giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để giáo viên, học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp tiếp cận kiến thức. Quy định khen thưởng học sinh cũng rõ nét hơn, mang tính định lượng, đảm bảo tính công bằng”, cô Nguyễn Thị Vy, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Đông Hòa), bày tỏ.

 

Sẵn sàng bắt nhịp

 

Ngày 6/11 tới, Thông tư 22 sẽ có hiệu lực. Mới đây, Sở GD-ĐT Phú Yên đã tổ chức tập huấn cho 100 cán bộ quản lý các trường tiểu học, chuyên viên phụ trách của 9 phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố. Tại hội nghị, các cán bộ, giáo viên đã được các báo cáo viên phân tích một số điều sửa đổi, bổ sung về quy định đánh giá học sinh trong Thông tư 22 so với Thông tư 30; thảo luận và chia sẻ thắc mắc về những vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ trong Thông tư 22. Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, cho hay: “Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua. Thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực cũng chính là thời điểm chuẩn bị đánh giá giữa học kỳ I theo kế hoạch thời gian năm học 2016-2017. Do đó, việc thực hiện Thông tư 22 sẽ không gây xáo trộn trong các hoạt động dạy, học và đánh giá học sinh ở các trường”.

 

Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên), cho biết: “Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, bộ phận chuyên môn triển khai sâu rộng đến cán bộ, giáo viên của 174 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Sau hội nghị tập huấn Thông tư 20 của sở, cán bộ quản lý của các trường cần nhanh chóng tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên của đơn vị. Lãnh đạo các trường cần giúp giáo viên nắm bắt những điểm mới trong Thông tư 22; đồng thời điều chỉnh hồ sơ, sổ sách trên cơ sở hồ sơ, sổ sách khi thực hiện Thông tư 30. Từ đó, việc bắt nhịp triển khai đánh giá theo Thông tư 20 sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek