Thứ Năm, 03/10/2024 18:23 CH
Giáo viên, học sinh “chuyển mình” với cách thi mới
Chủ Nhật, 23/10/2016 11:00 SA

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) cùng học Toán - Ảnh: THÚY HẰNG

Phương án thi THPT quốc gia 2017 có nhiều đổi mới so với các kỳ thi trước. Vậy nên, giáo viên và học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh phải thay đổi cách dạy và học nhằm thích ứng với cách thức ra đề mới.

 

Bám sát đề thi minh họa

 

Tiết học môn Toán của thầy và trò lớp 12C Trường THPT Nguyễn Trãi rất sinh động, khi thầy Phan Phúc Đức hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm lần đầu tiên được triển khai đối với môn học này trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Trên cơ sở của nội dung chuẩn, thầy Đức nêu các dạng bài luyện tập tương đương với các ví dụ nêu trong chuẩn kiến thức và sách giáo khoa nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giải toán. Thầy Đức còn đưa ra các ví dụ và bài toán có nội dung thực tiễn đời sống để học sinh lựa chọn ra đáp án đúng. Cách học này giúp học sinh không thấy chán. Em Võ Thị Kim Tuyền cho biết: “Lâu nay, chúng em đã quen với việc môn Toán thi theo hình thức tự luận. Bây giờ thi theo hình thức trắc nghiệm nên chúng em thật sự lúng túng, chỉ biết trông cậy vào sự hướng dẫn, chỉ bảo của giáo viên”.

 

Theo nhiều học sinh, đề thi minh họa của các môn như Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… không quá khó, có nhiều câu hỏi rất dễ, chỉ cần nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể đạt điểm trung bình. Tuy không có những bài tập nâng cao hóc búa như trong phương pháp thi tự luận nhưng nội dung đề minh họa có phổ rộng, lại có tính phân hóa từ hiểu kiến thức, đến vận dụng thấp rồi vận dụng cao nên các em sợ không bao quát hết kiến thức.

 

Nguyễn Thị Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), cho hay: “Em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên là môn tự chọn. Đề thi của tổ hợp này gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm thuộc các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong vòng 150 phút mà phải giải quyết 120 câu là quá áp lực đối với thí sinh. Hơn nữa, với những câu hỏi trong bộ môn khoa học tự nhiên đòi hỏi phải có sự tính toán, cẩn thận ở từng bước thì mới giải được. Để làm tốt bài thi tổ hợp này, hiện em bám vào đề thi minh họa để học và ôn tập”. Cũng bám sát đề thi minh họa để ôn tập, một học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Em chọn tổ hợp Khoa học xã hội là môn tự chọn nên “nghiên cứu” rất kỹ đề thi minh họa các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Em nhận thấy nội dung đề thi minh họa môn Địa lý có tính phân hóa từ hiểu kiến thức, đến vận dụng thấp rồi vận dụng cao. Các câu hỏi có nhận dạng biểu đồ, sử dụng Atlat nên em nghĩ mình phải nắm vững kiến thức cơ bản toàn bộ chương trình và hiểu, biết vận dụng kiến thức mới có thể đạt điểm cao”.

 

Tuy nhiên, do các môn khoa học xã hội chưa thi trắc nghiệm lần nào nên người học rất dễ “sập bẫy” khi gặp những câu có đáp án gần giống nhau. Ngoài ra, đề có nhiều câu hỏi dạng vận dụng, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và hiểu biết những vấn đề thời sự quan trọng, biết vận dụng, đánh giá vấn đề. Vậy nên, bên cạnh sách giáo khoa, các giáo viên khuyên học sinh phải thường xuyên đọc báo, xem tivi để nắm bắt các vấn đề thời sự diễn ra trong cuộc sống.

 

Định hướng dạy và học

 

Để đảm bảo việc dạy và học đáp ứng với phương án thi mới, Sở GD-ĐT Phú Yên vừa có hướng dẫn thực hiện việc dạy học đối với các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân… từ năm học 2016-2017. Cụ thể, đối với môn Toán, Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên các trường phải tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, rèn luyện khả năng tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm hình thành và phát triển ở học sinh tư duy tích cực, độc lập và sáng tạo. Hoạt động hóa việc học tập của học sinh bằng những dẫn dắt cho các em tự thân trải nghiệm chiếm lĩnh tri thức, chống lối học thụ động. Các giáo viên cần tận dụng ưu thế của từng phương pháp dạy học, chú trọng sử dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, coi trọng cả cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng lẫn vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Khuyến khích giáo viên áp dụng linh hoạt chương trình và sách giáo khoa theo đặc điểm vùng, miền và đối tượng học sinh. Các trường giao học sinh yếu cho giáo viên từng lớp, ôn tập theo năng lực của từng học sinh.

 

Đối với môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng không có nghĩa là giúp học sinh ghi lại nguyên nội dung bài học trong hướng dẫn hoặc lên lớp chỉ chú trọng một vài phương pháp dạy học mới mà phải vận dụng, kết hợp các phương pháp dạy học (kể cả phương pháp dạy học truyền thống) và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ giờ dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn giúp học sinh khám phá, lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Tránh dạy học theo lối đọc - chép, chép - chép và chiếu - chép thuần túy dưới mọi hình thức. Đối với việc hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường cần chú ý: Hệ thống hóa kiến thức theo các lĩnh vực văn học (lịch sử văn học, đọc - hiểu văn bản văn học theo đặc trưng thể loại, lý luận văn học), tiếng Việt, Làm văn để giúp học sinh củng cố, khắc sâu; đưa ra các bài tập mang tính khái quát để hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức trả lời câu hỏi kiểm tra kiến thức hoặc tạo lập văn bản (đọc hiểu, nghị luận văn học, nghị luận xã hội). Từ đó hoàn thiện kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh.

 

Đối với các môn của tổ hợp bài thi Khoa học xã hội, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả của bộ môn. Triển khai dạy học các chủ đề tích hợp, dạy học phân hóa; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Giáo viên phải xác định mục tiêu cuối cùng của bài dạy là học sinh hiểu bài như thế nào qua bài học, chứ không phải là bài dạy phải đầy đủ trình tự các bước, có sử dụng đầy đủ các phương pháp, không “ướt” - “cháy”… là được.

 

Các trường tổ chức quán triệt triển khai trong giáo viên bộ môn và học sinh về những nội dung được đề cập trong hướng dẫn dạy học của Sở GD-ĐT. Hiệu trưởng thường xuyên dự giờ, kiểm tra hồ sơ, tham dự cuộc họp chuyên môn của các tổ để kịp thời chỉ đạo và định kỳ báo cáo về Sở GD-ĐT những khó khăn, thuận lợi trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo phương án thi mới.

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek