Thứ Sáu, 04/10/2024 06:17 SA
Khó thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm
Chủ Nhật, 09/10/2016 11:00 SA

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng (gọi chung là các trường) về việc thu thập thông tin, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đây được xem là cơ sở để các trường nghiên cứu, xem xét khả năng điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo của trường. Tuy nhiên, để làm được điều này là không dễ dàng.

 

Đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tư vấn tuyển dụng đối với sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Thiếu minh chứng

 

Theo các trường, việc thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một trong những nội dung thuộc 3 công khai gồm: công khai cam kết chất lượng đào tạo, nguồn lực phục vụ đào tạo, thu chi tài chính mà các trường bắt buộc phải đưa lên website của mình theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, yêu cầu này hầu như chưa mang lại hiệu quả. ThS Võ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tư vấn việc làm sinh viên (Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa), cho biết: “Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan

 

 giải trong nhiều năm nay của các trường ĐH, CĐ. Để hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm, hàng năm, nhà trường luôn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn tuyển dụng nhưng rất ít sinh viên tham gia. Trong khi, các sinh viên sau khi ra trường lại rất ít có sự phản hồi về tình hình của bản thân nên trường gặp nhiều khó khăn khi khảo sát tỉ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp”. ThS Lê Bạt Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Phú Yên, cho hay: Có một thực tế là sinh viên sau khi ra trường không phải ai cũng mặn mà trong việc truy cập vào trang web trường mình đã học để điền thông tin việc làm. Bởi vậy, nhiều trường đưa ra khảo sát này với con số mang tính chất tương đối phỏng đoán. Riêng Trường ĐH Phú Yên, do chỉ tiêu đào tạo chủ yếu là các ngành sư phạm, trong khi những năm gần đây, việc tuyển dụng của nhóm ngành này đã bão hòa, thậm chí dôi dư so với nhu cầu. Vậy nên, tỉ lệ sinh viên sư phạm chưa xin được việc làm trong những năm qua chắc chắn vẫn còn nhiều…

 

Giải thích về sự thiếu hụt thông tin, các trường đều cho rằng việc tổ chức thu thập thông tin rất khó thực hiện. Phần lớn các trường yêu cầu sinh viên để lại địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ email khi nhận bằng tốt nghiệp để duy trì liên lạc. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hai bên vẫn rất lỏng lẻo. Ông Đinh Gia Tuấn, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Xây dựng Miền Trung), chia sẻ: Hàng năm, trường đều gửi phiếu khảo sát về tỉ lệ việc làm cho sinh viên khi các em tốt nghiệp hoặc khi các em về nhận bằng tốt nghiệp. Thế nhưng, cách làm này cũng chưa phát huy hiệu quả vì sinh viên không đồng loạt đến nhận bằng. Đó là chưa kể, nhiều sinh viên không mặn mà trong việc điền vào biểu mẫu của phiếu khảo sát. Do đó, để có được con số thống kê mang tính chính xác là một việc làm vô cùng khó.

 

Cần nỗ lực từ nhiều phía

 

Thực tế trên cho thấy, thống kê từ các trường khó bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp đã tìm được và chưa tìm được việc. Chẳng hạn, năm học 2015-2016, Trường CĐ Y tế Phú Yên công khai, toàn trường có 35% sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các trung tâm y tế, 38% làm việc tại các bệnh viện, 0,5% xuất khẩu lao động và 26,5% làm việc tại nhà. Nhà trường thẳng thắn thừa nhận, những sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các cơ ở y tế thì dễ khảo sát, còn những sinh viên không lấy được phản hồi thì nhà trường “liệt” vào diện làm việc tại nhà.

 

Hiện nay đa số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đều có trang web, trong đó ưu tiên dành hẳn mục 3 công khai, hoặc thông tin công khai để người đọc dễ dàng tìm thấy các thông tin về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ở các trường này. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thông số cụ thể về tỉ lệ có việc làm của sinh viên từng ngành, thậm chí nhiều trường còn thừa nhận đây chỉ là một khâu mang tính tương đối vì quá trình thu thập thông tin còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

 

ThS Lê Bạt Sơn bày tỏ: Thực tế, nếu như nắm được số liệu sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm và làm việc đúng ngành nghề thì nhà trường sẽ có định hướng đúng trong kế hoạch đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và sinh viên trong quá trình khảo sát. Một khi sinh viên thờ ơ với việc này thì các trường khó có được con số chính xác.

 

Hiện nay, hầu hết các trường đều thừa nhận là chưa thể tổ chức thường xuyên việc điều tra, khảo sát tình hình sinh viên tốt nghiệp, chưa mở rộng khảo sát các nhà tuyển dụng lao động về mức độ đáp ứng mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động.

 

Trong văn bản vừa gửi các trường, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường triển khai thu thập thông tin, báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trình độ ĐH, CĐ. Nội dung báo cáo gồm: Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp; đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo... nhằm nâng cao tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Từ năm 2016, đây là báo cáo các trường phải thực hiện, làm cơ sở để giám sát chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường và phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek