Thứ Bảy, 05/10/2024 08:32 SA
Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017: Thầy, trò đều lo lắng
Chủ Nhật, 11/09/2016 07:55 SA

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, nhiều giáo viên và học sinh đã không giấu được sự lo lắng, hoang mang bởi những điểm mới trong phương thức thi, đề thi…

 

Thi THPT quốc gia năm 2017 dự kiến sẽ có nhiều điểm mới. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trong ngày khai giảng - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Mới từ phương thức đến đề thi

 

Một trong những điểm mới làm nhiều giáo viên và học sinh lo lắng khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi THPT năm 2017 là việc thí sinh sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đối với thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lý). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng. Theo dự thảo này, tất cả các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận.

 

Em Nguyễn Ngọc Khánh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa), cho biết: “Những ngày qua, em liên tục cập nhật thông tin về sự thay đổi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ GD-ĐT đang triển khai lấy ý kiến góp ý. Điều làm em lo lắng nhất trong kỳ thi tới đó là Bộ GD-ĐT thay đổi cách thi từ tự luận sang trắc nghiệm và thi theo đề thi tích hợp”. Khánh lý giải: Lâu nay, chúng em học theo từng môn và theo hình thức tự luận quen rồi, giờ chuyển sang thi trắc nghiệm và làm bài theo phương thức tích hợp kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thì làm sao chúng em làm quen cho kịp, nhất là đã bước vào năm học cuối cấp.

 

Em Lê Bảo Hân, Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) thì chia sẻ: Ngay khi vào lớp 10, em tập trung học khối A nên các môn khoa học xã hội em học không tốt lắm. Trong khi theo Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, các môn thi được thực hiện theo phương thức tích hợp kiến thức nên em thật sự hoang mang trước sự thay đổi đột ngột này.

 

Lâu nay, học sinh đã quen với cách thức ra đề, cách thức thi cử, xét tuyển mà ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều năm qua. Vì thế, việc có quá nhiều sự thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia năm 2017 đã thực sự gây xáo trộn tâm lý học sinh lẫn giáo viên. Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, bày tỏ: “Nếu thay đổi cả đề thi, cách thức thi như vậy thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cực kỳ bị động. Nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức liên môn, ngay cả giáo viên cũng chưa dạy theo cách này. Chưa kể, qua 2 năm theo hình thức thi chung, học sinh bắt đầu quen với cấu trúc đề, phương thức thi thì bộ lại thay đổi. Nếu năm nào cũng có sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cả người dạy lẫn người học”.

 

Cần có lộ trình

 

Theo dự thảo này, đề thi sẽ gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa nhằm mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất đề môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thầy Huỳnh Tấn Châu cho rằng, thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Nó không phải là phương pháp tốt để đánh giá năng lực tư duy của học sinh, nhất là môn Toán. Theo thầy Châu, chỉ nên thi trắc nghiệm môn Toán đối với đề thi tốt nghiệp THPT (chỉ kiểm tra kiến thức ở mức cơ bản, đại trà), còn xét tuyển vào đại học thì đề thi môn Toán nên thi tự luận. Nhiều giáo viên, giảng viên trên địa bàn tỉnh cũng đồng tình với quan điểm của thầy Châu.

 

Một giáo viên của Trường THCS và THPT Tôn Đức Thắng (huyện Sông Hinh) bày tỏ: “Tích hợp bài thi là cách làm hay, song từ lớp 10, học sinh đã định hướng thi khối ngành nào, có những môn học nào để tập trung vào những môn đó, giờ có thêm những môn thi khác nữa thì học sinh sẽ không kịp thích ứng”. Còn Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên) Dương Bình Luyện nói: Nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức liên môn thì giáo viên phải dạy học sinh theo cách này thì mới hiệu quả. Bài thi tổng hợp là hình thức thi mới nên Bộ GD-ĐT phải tính toán, cân nhắc, nghiên cứu kỹ cách ra đề. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần đưa ra bộ đề minh họa sớm nhất để các trường, giáo viên có định hướng ôn tập cho học sinh.

 

Lâu nay, ngành Giáo dục vẫn chủ trương học gì thi nấy, vậy nên việc có quá nhiều thay đổi trong một kỳ thi đã cận kề thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cực kỳ bị động. Do đó, các trường đề nghị Bộ GD-ĐT phải tính toán để có lộ trình đổi mới cho phù hợp.

 

Theo dự thảo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, năm 2017, dự kiến sẽ có 4 phương thức các trường ĐH, CĐ có thể áp dụng để xét tuyển. Cụ thể: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT và phối hợp nhiều phương thức xét tuyển. Với phương án dự thảo này, sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh đăng ký ảo vào các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi THPT, vì mỗi trường ĐH, CĐ có quyền xây dựng phương án thi/xét tuyển phong phú, tự do và được thi/xét tuyển 2 lần/năm (nhờ đào tạo theo học chế tín chỉ nên làm điều này rất dễ). Với phương án dự thảo này, xã hội sẽ chủ động làm công việc phân tầng chất lượng CĐ/ĐH đối với các cơ sở giáo dục ĐH khi chọn lựa trường ĐH, CĐ để đăng ký. Và vì vậy, đây là một thách thức lớn đối với khả năng thu hút người học của các trường ĐH tốp 2, tốp 3 (đặc biệt là các trường ĐH thuộc địa phương). Nếu trường ĐH tốp 3 nào không có sự chỉ đạo và lãnh đạo đúng đắn từ cấp quản lý chủ quản nhà trường để có chiến lược phát triển tốt thì nguy cơ đóng cửa là rất lớn.

 

PGS-TS Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng

Trường ĐH Phú Yên

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek