Để có các bức ảnh khổ 20 x 25 cm trở lên ưng ý, tối thiểu bạn phải cần tới những máy ảnh có cảm biến 7 triệu điểm ảnh. Dưới đây là những ứng viên sáng giá...
Nếu như bạn không có nhiều thời gian và độ đam mê khám phá với máy ảnh chuyên D-SLR, sắm máy nghiệp dư cũng cho phép bạn tạo được những bức hình coi được. 7 “chấm” là mức đại trà của năm 2007 nên giờ đây bạn có rất nhiều lựa chọn ở tầm này. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải tìm hiểu tất cả mà chỉ cần quan tâm đến các sản phẩm tiêu biểu dưới đây mà các chuyên gia về công nghệ thế giới đã lựa chọn.
Canon Ixus 75 (4,85 triệu đồng)
Máy ảnh này thừa hưởng thiết kế nhỏ gọn, kiểu dáng thời trang của dòng Ixus và có màn hình LCD 3 inch thuộc loại lớn. Sản phẩm cho chất lượng ảnh thuyết phục với độ nhiễu thấp ở các mức nhạy sáng cao. Chất lượng video cũng khá tốt xét ở góc độ một ứng dụng “tay chiêu”. Tuy nhiên, điểm yếu của sản phẩm là vẫn còn hiện tượng quầng tím và thiếu kính ngắm quang học.
Canon Ixus 850 IS (8,3 triệu đồng)
![]() |
Đây là một mẫu máy ảnh nhỏ hơn hộp thuốc lá với kiểu dáng phong cách đặc trưng của dòng Ixus. Nó còn nổi bật với ống kính chụp góc rộng, hệ thống ổn định ảnh quang học. Nó xử lý nhanh, cho ảnh đẹp nên liên tục lọt vào danh sách máy ảnh nghiệp dư bán chạy tại châu Á nửa đầu năm nay. Nhược điểm của Ixus 850 IS là nghèo các chức năng chỉnh tay và nhiễu đậm ở mức nhạy sáng tối đa, ISO 1.600.
Sony Cybershot W80 (4,25 triệu đồng)
![]() |
Thế mạnh của W80 là có giao diện điều khiển sáng đẹp, xử lý nhanh và ảnh sắc nét. Giá bán khá mềm nên sản phẩm là lựa chọn sáng giá ở tầng tiết kiệm ngân sách. Ngược lại, các nút bấm của nó hơi nhỏ khiến cho việc điều khiển trở nên vụng về đặc biệt với người có ngón tay quá khổ.
Canon PowerShot A570 IS (3,69 triệu đồng)
![]() |
Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiễu đậm ở các mức nhạy sáng cao (để chụp các bức ảnh thiếu sáng), nhưng A570 IS là một “món hời” ở hạng mục này bởi đầy đủ công năng bao gồm hệ thống ổn định ảnh quang học, tác động nhanh và cho ảnh ấn tượng nhất là trong điều kiện sáng tốt.
Canon PowerShot A710 IS (4,65 triệu đồng)
![]() |
Đây là gương mặt “bom tấn” của serie PowerShot A từ Canon với hệ thống ổn định ảnh quang học (thể hiện bởi hậu tố IS), zoom quang 6x, chất lượng ảnh tươm tất trong khi ngoại hình compact cỡ vừa đã được cách tân. “Gót chân Achilles” của A710 IS là chụp ảnh chậm khi bật flash, góc nhìn rộng nhất là 35 mm và cho ảnh ngả ấm dưới ánh đèn sợi đốt.
Sony CyberShot W55 (3,95 triệu đồng)
![]() |
Mặc dù không phải là máy ảnh có thiết kế quyến rũ nhất nhưng bù lại W55 xuất sắc trên hai tiêu chí quan trọng là tốc độ chụp nhanh và cho ảnh đẹp. Sản phẩm hấp dẫn khi thuộc tầm giá dưới 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mặt trái của nó là các phím bấm kém nhạy, nhiễu ảnh khá lộ trong điều kiện thiếu sáng kể cả khi cài đặt mức nhạy sáng thấp.
Canon PowerShot A550 (2,8 triệu đồng)
![]() |
Đây là một máy ảnh 7 chấm giá thấp mà ít có “lời ong tiếng ve” nhất. Nó thực thi nhanh, ống kính khá tốt và cho ảnh đẹp trong điều kiện sáng đủ. Thiệt thòi của sản phẩm là chỉ có bộ xử lý ảnh Digic II đời cũ, ảnh thu được đôi khi bị nhiễu đường viền và nhiễu ở các mức nhạy sáng cao.
Kodak EasyShare Z712 IS (4,8 triệu đồng)
![]() |
Máy ảnh này được xếp vào dòng nâng cao bởi có kiểu dáng gọn nhưng có zoom quang lên tới 12x. Ưu điểm khác của Z712 IS là tính năng chống mờ kiểu dịch ống kính và phơi sáng chỉnh tay. Hạn chế của nó là nhiễu ảnh và hiện tượng quầng tím khá lộ; ảnh mờ khi chụp ở các mức nhạy sáng lên tới ISO 800 và 1.600.
Nikon Coolpix S50c (5,6 triệu đồng)
![]() |
S50c nổi tiếng với ngoại hình gọn gàng, xinh xắn, mỏng mảnh và bóng bảy. Nó cho ảnh đẹp với hỗ trợ nối mạng Internet không dây, Wi-Fi. Tuy nhiên, nó thiếu một trình duyệt đặc thù để ngăn chặn việc truy cập vào một cách tự do khi máy nằm trong vùng phủ sóng của một hot-spot.
Panasonic Lumix FZ8 (5,8 triệu đồng)
![]() |
FZ8 sở hữu một ống kính zoom quang xa 12x, hệ thống ổn định ảnh quang học, phơi sáng chỉnh tay; các nút điều khiển nhạy bén tiện dụng. Đặc biệt, máy ảnh compact này còn hỗ trợ cả định dạng ảnh thô - RAW. Tuy nhiên, sản phẩm bị phàn nàn bởi nhiễu ảnh, chất lượng hình chỉ trên trung bình và chế độ nhạy sáng ISO 3.200 gần như không dùng được.
Theo TTO