Thứ Hai, 14/10/2024 12:17 CH
Để nâng cao chất lượng dạy và học hệ vừa làm vừa học
Chủ Nhật, 22/05/2016 10:00 SA

Nhiều năm qua, loại hình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (VLVH) đã đạt được những thành tựu đáng kể như góp phần giảm tải cho hệ thống đào tạo chính quy, bồi dưỡng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời… Tuy nhiên, trước những biến chuyển của thời đại, loại hình đào tạo này đã bộc lộ những bất cập, thậm chí bị chỉ trích gay gắt về vấn đề chất lượng.

 

Sinh viên hệ vừa làm vừa học nhận bằng tốt nghiệp đại học do Trường cao đẳng Nghề Phú Yên phối hợp với Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đào tạo - Ảnh: T.HẰNG

 

YẾU ĐẦU VÀO LẪN ĐẦU RA

 

Tại hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng dạy và học hệ VLVH vừa được Trường đại học Phú Yên tổ chức, với sự tham dự của các cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đầu vào của sinh viên theo học hệ này thấp, đa số người đi học vì mục tiêu cải thiện bằng cấp để ổn định công việc và tăng lương; không đồng nhất về mục tiêu học tập, khả năng tiếp thu, khả năng tự học và nghiên cứu; thời gian học tập bị chi phối, san sẻ bởi công việc mà người học đang làm nên thời gian dành cho tự học, tự nghiên cứu rất ít… Về giảng viên thì chỉ hoàn thành khối lượng giờ lên lớp, không sâu sát, quan tâm, hỗ trợ người học trước và sau khi dạy; chưa cung cấp đầy đủ tài liệu tham khảo, chưa có hướng dẫn tốt cho sinh về tự học, tự nghiên cứu… Về chương trình đào tạo thì thiết kế chưa hợp lý, nặng tính hàn lâm, nhẹ tính thực hành; thiếu các học phần, chuyên đề gắn liền với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới; nội dung còn chồng chéo, trùng lắp kiến thức, chưa khai thác hết thế mạnh của đối tượng người học; chưa có giáo trình riêng cho hệ VLVH…

 

Về tổ chức đào tạo, các đại biểu cho rằng việc dạy cuốn chiếu theo môn học, với thời gian dồn ép 9-10 tiết/ngày không đảm bảo cho sự “tiêu hóa” kiến thức, chỉ đảm bảo hoàn thành khâu khối lượng nhưng lại buông lỏng khâu chất lượng; phương pháp kiểm tra đánh giá chủ yếu là kiểm tra kiến thức cộng với sự dễ dãi, tính hình thức trong khâu tổ chức dẫn đến chưa phản ánh chính xác kết quả và nỗ lực học tập của người học.

 

Phân tích sâu về những nhận định trên, ThS Huỳnh Minh Giảng, Trường đại học Phú Yên, chỉ ra rằng: Đề thi tuyển sinh hệ đào tạo VLVH không khó và không phức tạp bằng đề thi tuyển sinh chính quy nhưng điểm tuyển sinh lại thấp hơn nhiều. Bởi vậy, chất lượng đào tạo của hệ đại học VLVH còn thấp là điều không thể tránh khỏi.

 

Còn ThS Nguyễn Thế Dân, Trường đại học Phú Yên thì khuyến cáo, trong một tỉnh mà có nhiều cơ sở đào tạo theo hình thức này sẽ có cạnh tranh và nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh. Đây quả thật là bài toán khó đối với công tác quản lý nhà nước về công tác đào tạo hệ VLVH, đồng thời thách thức bản lĩnh của lãnh đạo nhà trường trước sự lựa chọn hoặc chất lượng hoặc số lượng.

 

CẦN THIẾT “NÂNG CHẤT” HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC

 

Theo ông Trần Đức Phúc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Phú Yên), cách đây 10 năm, Phú Yên chưa có cơ sở đào tạo đại học hệ chính quy thì lưu lượng người học đại học, cao đẳng hệ VLVH tại các cơ sở đào tạo rất lớn, trên 6.000 người. Nhưng đến nay, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng chính quy tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh tăng lên thì số người học hệ VLVH tại các đơn vị giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 người. Thời gian gần đây, một vài tỉnh, thành phố từng có thông báo không tuyển dụng học viên tốt nghiệp hệ VLVH vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Quyết định này từng gây xôn xao dư luận, song đó cũng là một cảnh báo để các đơn vị đào tạo hệ VLVH lưu tâm.

 

Nhận định đúng thực trạng, phân tích nguyên nhân là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp thích đáng để cải thiện chất lượng hệ VLVH. ThS Lê Bạt Sơn, Trường đại học Phú Yên, đề nghị cần lấy ý kiến đóng góp của người học về chương trình đào tạo, khai thác thông tin phản hồi từ người học để có cơ sở điều chỉnh chương trình. ThS Nguyễn Văn Hưng, Trường cao đẳng Bình Định, sau khi chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nghề du lịch của trường này bằng cách vận dụng tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) trong quá trình đào tạo và mang lại hiệu quả cao, cho hay: Lâu nay, trong quá trình đào tạo, chúng ta thiếu quan tâm vận dụng Chuẩn nghề nghiệp trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Với việc áp dụng tiêu chuẩn VTOS, năm 2015, Trường cao đẳng Bình Định đã đào tạo hơn 200 nhân viên cho Tập đoàn FLC các nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng, buồng theo tiêu chuẩn VTOS. Trường đã đào tạo lý thuyết và thực hành xen kẽ với thực tế tại khu resort FLC Nhơn Lý. Kết quả, hầu hết các học viên đều đang làm việc và có thu nhập ổn định tại đó. “Một khi người học được chủ động phát huy tự chủ, có cơ hội thực hành, cọ sát thực tế thì dù học chính quy hay hệ VLVH thì việc hình thành năng lực là như nhau. Trường cao đẳng Bình Định sẽ tiếp tục vận dụng tiêu chuẩn VTOS vào giảng dạy tại trường, đặc biệt là với đào tạo hệ VLVH”, ThS Hưng nhấn mạnh.

 

“Thực tế tuyển sinh của các địa phương cho thấy, thành phần sinh viên hệ VLVH khá đa dạng nhưng đông đảo nhất vẫn là những người đã có kinh nghiệm trong công việc. Khai thác vốn hiểu biết thực tế của người học là điểm mấu chốt để làm họ hứng thú và tự tìm hiểu những vấn đề liên quan. Qua đó sẽ giúp người học dần dần thay đổi nhận thức và có niềm tin trong quá trình học tập”, ThS Trần Ngọc Hồng, Trường đại học Phú Yên, chia sẻ.

 

Thực hiện chiến lược phát triển GD-ĐT từ nay đến năm 2020, đưa các hoạt động đào tạo theo hình thức VLVH theo đúng các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các địa phương, tại diễn đàn hội thảo, các chuyên gia giáo dục cho rằng các đơn vị chủ trì đào tạo cần đổi mới công tác tuyển sinh hệ VLVH, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới đánh giá chất lượng đầu vào… Có như vậy thì hệ đào tạo này mới đáp ứng được với sự mong mỏi của toàn xã hội, tạo sự công bằng trong việc sử dụng lao động của người học, khuyến khích mọi người tham gia học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng một xã hội học tập lành mạnh.

 

PGS-TS NGUYỄN HUY VỊ, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Đổi mới để tạo niềm tin cho người học

 

Nhằm thực hiện hóa mục tiêu học tập suốt đời của người lao động, từ năm 2011 đến nay, Trường đại học Phú Yên đã mở rộng liên kết và đưa giáo dục đại học đến các huyện trong tỉnh như: Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Hinh, TX Sông Cầu và mở lớp tại các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Tính đến năm 2016, trường đã và đang đào tạo đại học hệ VLVH cho hơn 1.200 sinh viên, chủ yếu thuộc nhóm ngành sư phạm. Loại hình liên kết đào tạo này đã tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, liên kết đào tạo trình độ đại học hệ liên thông VLVH trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ chương trình đào đạo đến công tác tổ chức thi…

 

Đổi mới trong liên kết đào tạo trình độ đại học hệ liên thông VLVH là tất yếu để phát triển, nhưng đổi mới như thế nào để mở rộng, phát triển hệ đào tạo này có hiệu quả là việc khó, đòi hỏi sự chung tay góp sức của đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường. Hơn lúc nào hết, nhà trường cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ trong đổi mới, từ khâu kế hoạch đào tạo, tuyển sinh mở lớp đến cách thức quản lý, tổ chức quá trình đào tạo, tạo dựng niềm tin cho người học vào chất lượng đào tạo của nhà trường.

 

NCS-THS BÙI THỊ THANH DIỆU, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁNH HÒA: Đổi mới kiểm tra đánh giá sinh viên theo cách tiếp cận năng lực

 

Đối tượng đào tạo của hệ đào tạo VLVH ở Trường đại học Khánh Hòa rất phong phú và đa dạng về ngành nghề, trình độ, độ tuổi. Phần lớn người học hệ này có ưu thế vượt trội đó là vốn sống, kinh nghiệm trong công tác chuyên môn của ngành nghề, song lại chưa có thói quen học tập độc lập, tình trạng học tập còn mang tính chất đối phó rất phổ biến. Thực hiện định hướng đổi mới GD-ĐT, những năm qua, nhà trường đã chỉ đạo mạnh mẽ việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên mới thực hiện một chiều và chủ yếu dựa vào kiến thức, kỹ năng của người học thông qua các điểm số, mà chưa có nhận xét và phản hồi cho sinh viên.

 

Để quá trình đổi mới tiến hành có hiệu quả, ngoài việc thực hiện đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên thì cần phải có sự đổi mới trong cách tiếp cận đánh giá. Đó là đánh giá theo cách tiếp cận năng lực người học theo nguyên tắc: chuyển từ đánh giá một chiều sang đánh giá đa chiều; chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học; chuyển đánh giá từ một hoạt động độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá là một phương pháp dạy học. Nếu làm được điều này thì việc đánh giá năng lực sinh viên mới phát huy tác dụng.

 

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN SÔNG HINH TRẦN ĐÌNH NHẤT: Siết chặt đầu vào, kiểm soát đầu ra

 

Qua nhiều năm quản lý trường tiểu học, tôi nhận thấy đội ngũ giáo viên tiểu học hệ VLVH trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong đội ngũ này lại chưa có sự đồng đều về chất lượng chuyên môn. Nguyên nhân thì nhiều, song thực tế cho thấy trong một thời gian dài việc phát triển ồ ạt hệ VLVH, liên kết đào tạo, dễ dãi đầu vào dẫn đến chất lượng có vấn đề, gây dư luận không tốt cho hệ đào tạo này. Do vậy, các trường đại học phải xem việc tuyển đầu vào hệ VLVH cũng quan trọng như hệ chính quy. Thực hiện nghiêm túc việc tuyển đầu vào thì mới có được những sinh viên có chất lượng tốt trong quá trình học cũng như khi tốt nghiệp ra trường phục vụ công tác.

 

Để tiến tới không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo, các trường đại học nên cho sinh viên hệ VLVH và sinh viên chính quy thi cùng tín chỉ để đánh giá năng lực, tiến tới tổ chức kỳ thi chung, sẽ là thước đo chuẩn để kiểm soát đầu ra cho cả hai hệ đào tạo. Các trường đại học nên mở các lớp hệ VLVH trong trường đại học để sinh viên có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị dạy học, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành… Có như vậy, chất lượng sinh viên hệ VLVH mới được nâng lên.

 

THÚY HẰNG 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek