Hiện chỉ có 12,5% trong tổng số hơn 4.000 phương tiện khai thác thủy sản ở Phú Yên sử dụng thiết bị vô tuyến điện thực hiện việc đăng ký sử dụng tần số. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cho rằng việc quản lý sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện hầu như bế tắc.
![]() |
Nhân viên trực canh Đài thông tin duyên hải Phú Yên đang tiếp nhận và giải đáp thông tin cho tàu đánh bắt xa bờ - Ảnh: N.Q |
Đối với ngư dân, thông tin liên lạc giữa đất liền với những người đi biển là vấn đề sống còn. Nhiều sinh mạng bị biển cả cướp đi chỉ vì thiếu phương tiện thông tin liên lạc và ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng hiện nay, việc sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của ngư dân Phú Yên vẫn còn nhiều bất cập.
CHỈ CÓ 12,5% PHƯƠNG TIỆN ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG TẦN SỐ
Theo thống kê của Sở Thủy sản Phú Yên, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 phương tiện khai thác thủy sản công suất từ 45CV trở lên có sử dụng thiết bị vô tuyến điện (hay còn gọi là máy bộ đàm) để liên lạc. Việc sử dụng tần số và máy bộ đàm đúng quy định sẽ giúp cho ngư dân cập nhật thông tin khí tượng thủy văn, giá cả thị trường hải sản và được cứu nạn cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra. Thế nhưng, lâu nay việc quản lý sử dụng phương tiện này chưa có sự thống nhất, làm lãng phí phổ tần số, ảnh hưởng đến an toàn thông tin, an ninh quốc phòng. Ông Nguyễn Tín, ngư dân thôn Phú Thọ 2, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: “Lâu nay bà con ngư dân chúng tôi thường mua máy bộ đàm bán trôi nổi trên thị trường. Các máy này được nhà sản xuất cài đặt sẵn chế độ rà tìm 40 tần số khác nhau nên cứ việc sử dụng mà không cần phải đi đăng ký với cơ quan chức năng. Việc chọn kênh liên lạc cũng tùy từng lúc, từng nơi chứ không cố định một kênh nào”. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngư dân Phú Yên hiện nay. Bà Lê Thị Tuyết Dung, cán bộ phụ trách Đài Thông tin duyên hải Phú Yên (Radio Phu Yen) cho biết: “Lợi ích của việc đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ khai thác hải sản thì ngư dân nào cũng biết, nhưng Phú Yên mới chỉ có 500 chủ phương tiện đăng ký sử dụng, chiếm 12,5% trong tổng số tàu thuyền đang hoạt động. Để phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc giữa đất liền và người đi biển, Radio Phu Yen phải mở đài trực canh tiếp nhận và giải đáp thông tin cho tất cả các phương tiện khi gọi về các tần số của đài gồm: 7966KHz, 7921KHz (tần số trực canh), 7903KHz (tần số cứu nạn) và 7906KHz (tần số thông báo thời tiết, cảnh báo khí tượng)”.
Trên dải băng tần sóng vô tuyến điện do Cục tần số (Bộ Bưu chính – Viễn thông) cung cấp hiện có 37 kênh liên lạc, 2 kênh gọi và 1 kênh cứu nạn. Kênh liên lạc chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian tối đa 5 phút, kênh gọi chỉ được phép gọi tối đa 1 phút, riêng kênh cấp cứu không giới hạn thời gian gọi. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII Nguyễn Tuấn Hùng, phương tiện khai thác nghề cá khi sử dụng máy bộ đàm phải đăng ký tần số và mã số máy để tiện việc liên lạc và tránh gây nhiễu sóng. Thế nhưng, ngư dân hầu như chưa có ý thức về việc sử dụng tần số vô tuyến điện, một số chủ tàu sử dụng tần số cấp cứu để liên lạc với nhau, gọi quá thời gian quy định làm ảnh hưởng đến việc trực canh nghe của đài. “Không đăng ký sử dụng tần số là điều rất nguy hiểm, bởi khi thời tiết xấu như có áp thấp nhiệt đới, bão thì không thể tìm kênh liên lạc để thực hiện việc cứu nạn” - ông Hùng nói.
QUẢN LÝ CÁCH NÀO?
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các ngành chức năng ở Phú Yên là phải lập lại trật tự trong việc sử dụng phổ tần số và thiết bị vô tuyến điện. Tình trạng các loại thiết bị vô tuyến điện không rõ nguồn gốc đang được bày bán tràn lan trên thị trường và sự thiếu ý thức của ngư dân đang gây cho ngành chức năng nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Văn Phúc, cán bộ phụ trách thủy sản phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) bức xúc: “Việc ghi lại số máy, tên máy gặp rất nhiều khó khăn vì chỉ có chủ tàu hoặc thuyền trưởng mới biết, trong khi đó lực lượng này lại thường xuyên bám biển dài ngày. Nếu không có chế tài thì e rằng không thể nào hoàn tất việc kiểm tra, cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện được”.
Ngoài ra, việc nhiều chủ tàu lớn hoặc một nhóm chủ tàu tự ý liên kết xây dựng cho mình một “mạng thông tin liên lạc riêng” gồm đài bờ, đài tàu nhằm điều hành hoạt động đánh bắt và liên lạc ứng cứu nhau khi gặp sự cố mà không “hòa mạng” chung theo quy ước hàng hải quốc tế dễ gây nhiễu cho các tần số khác. “Không thể quản lý vì các mạng riêng này hoạt động bí mật, chỉ có các thành viên trong nhóm mới biết” – Trưởng phòng Xử lý thông tin Trung tâm kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII Lê Hồng Nguyên nói.
Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông Phú Yên Lê Thanh Nhanh cho biết: Để giảm thiểu những tai nạn của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là trong mùa mưa bão, Sở Bưu chính – Viễn thông Phú Yên đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII, Bộ đội biên phòng, Sở Thủy sản và các địa phương ven biển tuyên truyền để ngư dân và các chủ tàu cá hiểu rõ lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc trang bị, đăng ký sử dụng thiết bị thông tin liên lạc, công bố băng tần… để mọi ngư dân, chủ tàu biết. Ngoài ra cũng sẽ thiết lập hệ thống thông tin liên lạc đồng bộ giữa cơ quan quản lý tàu cá địa phương và tàu cá khai thác trên biển với các đài Trung tâm duyên hải Phú Yên, biên phòng…
NGUYỄN QUANG