Thứ Hai, 07/10/2024 07:19 SA
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012:
Thí sinh không mặn mà với khối C
Chủ Nhật, 06/05/2012 11:00 SA

Chương trình dài, khó học thuộc, đầu ra xin việc hẹp là những lý do được các thí sinh đưa ra để giải thích cho việc không mặn mà với khối C khi nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng năm nay.

 

hoc-van120506.jpg

Ngày càng ít thí sinh tham gia dự thi khối ngành xã hội nhân văn. Trong ảnh: Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: M.THÚY

HỜ HỮNG VỚI KHỐI C

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, tổng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng nộp tại Sở GD-ĐT năm 2012 hơn 20.500 hồ sơ. Tuy nhiên, trong đó có chưa đến 15% hồ sơ đăng ký dự thi khối C. Ông Trần Đức Phúc, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Năm nào cũng vậy, tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng khối C rất ít. Năm nay cũng không ngoại lệ. Việc thí sinh không mặn mà với khối C không quá khó để lý giải. Xu hướng xã hội coi trọng kinh tế, cơ hội việc làm của khối ngành kinh tế nhiều hơn, thu nhập lại cao hơn, trong khi đó khối C phải học thuộc nhiều hơn, đòi hỏi khả năng tổng hợp kiến thức và tư duy ngôn ngữ tốt. Việc thí sinh “đổ xô” vào khối A, B, D để học các ngành kinh tế, kỹ thuật là điều dễ hiểu”.

Nhiều người bảo thí sinh thực dụng khi theo các nhóm ngành khối A, B, D mà không theo các nhóm ngành xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi khối C giảm liên quan đến việc sử dụng, đãi ngộ lao động cũng như chính sách tuyển sinh hiện nay của các trường đại học, cao đẳng. Số trường, ngành tuyển sinh khối C đang có xu hướng giảm dần do thấy khó tuyển, nhiều trường mở rộng thêm khối thi hoặc thay bằng khối D. “Chúng ta không thể trách thí sinh là tại sao chỉ đổ xô vào các khối khác, hờ hững với khối C khi chỉ tiêu khối C ít, các ngành học không mang lại lợi ích thiết thực như xin việc khó, lương thấp...” Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh Nguyễn Tấn Hào nói. Thầy Hào còn cho biết thêm, hai năm học gần đây, do số lượng học sinh đăng ký dự thi vào lớp chuyên Lịch sử và Địa lý quá ít, tuyển không đủ chỉ tiêu nên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh không tuyển sinh lớp chuyên hai môn học này.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mọi tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp nhằm hướng các em vào những ngành cơ bản đều phản tác dụng khi hàng ngày sản phẩm đầu ra của một số ngành xã hội, ngành khoa học cơ bản bị bỏ rơi. Nhiều sinh viên ra trường không xin được việc đúng chuyên môn.

Trước thực trạng ngày càng ít thí sinh quan tâm đến các ngành khoa học xã hội, nhiều trường đã phải tìm cách cải thiện tình hình bằng cách linh động hơn trong việc thi, xét tuyển. Cụ thể, tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012, lượng các trường đào tạo khối ngành khoa học xã hội nhưng thi tuyển đầu vào khối A, thậm chí khối A1 bên cạnh khối thi truyền thống khá nhiều. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trường đại học Khoa học xã hội - Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2012, ngành Báo chí và ngành Ngôn ngữ học tuyển sinh thêm khối A; ngành Tâm lý học tuyển sinh thêm khối B. Nhiều ngành thuộc khối xã hội của trường cũng đã tuyển bổ sung khối A từ mùa tuyển sinh trước như Chính trị học, Khoa học quản lý, Lưu trữ học, Nhân học, Triết học, Xã hội học... Về cơ bản, việc điều chỉnh này sẽ giúp các trường mở rộng nguồn tuyển, tăng cơ hội tuyển sinh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những thí sinh giỏi các môn tự nhiên nhưng yêu thích các ngành học xã hội.

KHÓ XIN VIỆC

Tại sao ngày càng ít thí sinh dự thi vào khối C? Theo các trường là do hiện nay số học sinh đăng ký nguyện vọng vào học ban Khoa học xã hội – Nhân văn rất ít ỏi. Khi phân ban, nhiều trường THPT tuyển không đủ một lớp, thậm chí nhiều trường THPT không có ban C. Thạc sĩ Lê Đức Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Các học sinh hiện nay chỉ tập trung vào các môn tự nhiên vì nhiều trường, nhiều ngành dự thi, cơ hội việc làm cao hơn. Do đó, ngay từ khi vào lớp 10, rất ít học sinh chịu học khối C”.

Phú Yên hiện có 30 trường THCS và THPT, THPT nhưng rất ít trường tổ chức được ban Khoa học xã hội - Nhân văn do rất ít học sinh chịu học ban này. Học sinh Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trường THPT Nguyễn Huệ tâm sự: “Chúng em thấy sự lựa chọn trường đại học, cao đẳng của khối này ít hơn. Số trường đại học, cao đẳng tuyển khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi khối A và D có tới cả trăm trường để chọn. Nếu không đậu nguyện vọng 1, cửa vào nguyện vọng 2 và 3 của khối C là rất hẹp, trong khi khối A và D chỉ cần đủ điểm sàn là chắc chắn có cơ hội vào một trường nào đó”.

Vấn đề “đầu ra” của thí sinh khối C cũng khó khăn hơn các khối ngành khác. Đây cũng là một lý do khiến nhiều học sinh không lựa chọn khối ngành này. Học sinh Nguyễn Văn Dũng, Trường THPT Nguyễn Trãi bộc bạch: “Bây giờ các ngành khoa học xã hội được đào tạo tại chức, từ xa tràn lan. Sinh viên chính quy ra trường không có việc làm, thử hỏi làm sao tụi em dám theo khối C”.

Hiện nay cả nước chỉ có vài chục trường đại học đào tạo khối C, chỉ tiêu khối C cũng không nhiều, bình quân mỗi ngành từ 50 đến 70 sinh viên. Đặc biệt, những ngành “hot” hiện nay như Báo chí, Luật… rất đông thí sinh dự thi nên điểm chuẩn khá cao. Hầu hết các ngành “nóng”, điểm chuẩn cao này các trường thường không xét tuyển nguyện vọng 2. Do vậy, tỉ lệ cạnh tranh của thí sinh thi khối C vào các ngành này rất cao. Ngược lại với các ngành học trên, nhiều ngành học khối C hiện nay lại rơi vào tình trạng “khát” thí sinh, điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn nhưng không thu hút được thí sinh. Vì sao? Xin đừng phê phán, hãy nhìn lại chất lượng đào tạo cũng như thực trạng các sinh viên ngành khoa học xã hội ra trường xin việc như thế nào.

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek