Sau tết, khuynh hướng học sinh bỏ học thường tăng cao. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá nhận định, ngăn chặn bỏ học là một “cuộc chiến” hết sức nan giải và phức tạp.
* Xin giám đốc cho biết, tình hình học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá - Ảnh: T.HẰNG
- Kết thúc học kỳ 1 năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 704 học sinh bỏ học, trong đó, tiểu học: 7 học sinh, THCS: 278 học sinh, THPT: 419 học sinh. So với cùng kỳ năm học trước, số lượng học sinh bỏ học trong học kỳ 1 năm học 2011-2012 giảm 183 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh bỏ học giảm chỉ ở bậc tiểu học, THCS, còn bậc THPT tăng 24 học sinh.
* Nguyên nhân học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh THPT bỏ học nhiều là do đâu, thưa giám đốc?
- Học sinh bỏ học có rất nhiều nguyên nhân, song có thể tập trung vào những nguyên nhân sau: Thứ nhất, tệ nạn nghiện trò chơi trực tuyến internet với mặt trái, tiêu cực của nó đã có tác động khá lớn đến việc duy trì nề nếp học tập và sinh hoạt của học sinh. Chính nguyên nhân này dẫn đến học sinh trốn học, kết quả học tập yếu kém rồi bỏ học giữa chừng. Thứ hai, sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh chưa được chặt chẽ, có nơi còn chưa quan tâm đúng mức. Thứ ba, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh, chưa nhiệt tình trong đầu tư giảng dạy, các tiết học chưa thật hấp dẫn và sinh động khiến học sinh trung bình - kém cảm thấy ngột ngạt, nặng nề. Rồi khi “đuối sức”, học sinh “rớt” xuống mất căn bản. Yếu kém dẫn đến lưu ban, từ lưu ban đến bỏ học là một khoảng cách rất ngắn khi các em có tâm lý chán nản, mặc cảm với bạn bè.
Kết thúc học kỳ 1 năm học 2011-2012, bậc THPT, toàn tỉnh có 5.718 học sinh xếp loại học lực yếu (chiếm tỉ lệ 18,34%), 268 học sinh xếp loại học lực kém (chiếm tỉ lệ 0,86%). Nhiều học sinh có học lực yếu, kém tự cảm thấy bản thân không thể “lấy” được bằng tốt nghiệp THPT đã bỏ học trước vì nếu thi cử nghiêm túc thì những học sinh này rất khó để tốt nghiệp THPT. Khi mục tiêu lên lớp và đậu tốt nghiệp THPT trở nên khó thực hiện thì những học sinh yếu, kém sẽ bỏ học nhiều. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, dẫn đến tình trạng học sinh THPT bỏ học nhiều trong thời gian qua.
* Nhiều người cho rằng, ngành GD-ĐT chống học sinh bỏ học vì thành tích chứ chưa vì học sinh, giám đốc nghĩ sao?
- Chống học sinh bỏ học vì học sinh hay vì thành tích phụ thuộc vào… góc nhìn. Tuy nhiên, dù đứng ở góc nhìn nào, chống học sinh bỏ học đang được ngành GD-ĐT dốc sức giải quyết. Lâu nay, vì áp lực phổ cập giáo dục tiểu học, THCS nên nhà trường, xã hội chủ yếu tập trung chống học sinh bỏ học ở hai bậc học này để giữ chuẩn phổ cập. Còn bậc THPT chưa tập trung thực hiện quyết liệt. Tôi thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đầu vào của bậc THPT không đồng đều, nhất là đối với các trường THPT bán công mới được chuyển sang công lập. Đối với những học sinh không có nền kiến thức cơ bản, khó có thể theo kịp chương trình học mới, nên rất dễ chán học và cuối cùng bị học lực kém, lưu ban. Khi đã bị học lực kém, không phải em nào cũng đủ bản lĩnh để học lại, rất nhiều em đã bỏ học do mặc cảm, xấu hổ hoặc buộc phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ góp phần “hút” học sinh đến trường - Ảnh: T.HẰNG
* Ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để có thể khắc phục tình trạng học sinh bỏ học?
- Để giải quyết triệt để tình trạng học sinh bỏ học không phải là việc dễ dàng, cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giảm tỉ lệ học sinh yếu kém. Muốn làm được điều này, ngay từ đầu năm học, các trường phải tiến hành phân loại học lực của học sinh thật chính xác, việc đánh giá học sinh phải được thực hiện một cách khách quan, chính xác, công bằng. Sau khi đã có kết quả phân loại học lực học sinh, cần lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt, tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém. Mục tiêu của phong trào chống tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, không phải cho học sinh ở lại lớp, mà phải tìm biện pháp nâng cao trình độ để học sinh có thể lên lớp và tiếp thu được kiến thức mới.
Không phủ nhận một điều, chỉ tiêu tuyển sinh vào các lớp đầu cấp những năm qua chưa siết chặt đầu vào. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy các em từ học không nổi phải bỏ học luôn. Từ năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ thực hiện đổi chủ tịch hội đồng thi và giám thị từ huyện này sang huyện khác trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9. Chúng tôi thà chấp nhận tỉ lệ học sinh giỏi thấp để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, cần có một sự phối hợp chặt chẽ, có chiều sâu giữa: Ban giám hiệu - giáo viên chủ nhiệm - cha mẹ học sinh - chính quyền, đoàn thể địa phương để tất cả những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập hoặc vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật phải được quản lý và có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục ngay từ đầu. Bên cạnh sự quan tâm giáo dục, giúp đỡ của thầy cô giáo, mọi phụ huynh học sinh cũng cần đề cao ý thức trách nhiệm đối với con em mình, tạo điều kiện cho các em học tập và rèn luyện tốt để phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi.
* Xin cảm ơn giám đốc!
THÚY HẰNG (thực hiện)