Thứ Sáu, 11/10/2024 21:25 CH
Sinh viên sư phạm:
Cung cao, cầu thấp
Chủ Nhật, 30/10/2011 11:00 SA

Hiện số lượng hồ sơ sinh viên sư phạm ra trường nộp chờ phân việc tồn đọng khá lớn tại sở GD-ĐT Phú Yên, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng của các trường có hạn. Việc mất cân bằng cung - cầu nhiều năm liên tiếp dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp.

tot-nghiep111030.jpg

Rất ít sinh viên sư phạm tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Phú Yên trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: T.HẰNG

CHẬT VẬT KIẾM CHỖ DẠY

Tính đến nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gồm: 14 trường đại học sư phạm, 49 trường đại học có khoa/ngành sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm, 24 trường cao đẳng có khoa/ngành sư phạm, 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

Sở GD-ĐT Phú Yên vừa ký hợp đồng giảng dạy với 74 sinh viên sư phạm năm học 2011-2012 trong tổng số hơn 300 hồ sơ xin việc. Cầm hợp đồng giảng dạy tại Trường THCS và THPT Chu Văn An (huyện Đồng xuân), ông Võ Hùng Thái cùng con trai Võ Phạm Tuyên không giấu được niềm vui. Tuyên cho biết: “Em tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh. Mặc dù xếp loại học lực khá, nhưng khi nộp đơn xin việc em không dám hy vọng nhiều, vì em biết số lượng giáo sinh sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều nên khó đến lượt mình. Khi được Sở GD-ĐT thông báo đến sở nhận nhiệm vụ giảng dạy em mừng không thể tả được”. Còn ba Tuyên – ông Võ Hùng Thái, xúc động nói: “Tôi là thương binh 4/4. Tôi nghĩ khi xét tuyển dụng, Sở GD-ĐT đã xem xét vấn đề này, nên con tôi được hợp đồng giảng dạy”.

Quả thật, trong 74 giáo sinh được Sở GD-ĐT hợp đồng giảng dạy trong năm học 2011-2012 đại đa số là thạc sĩ, giáo sinh tốt nghiệp khá, giỏi, con gia đình chính sách. Thạc sĩ ngành Ngữ văn Lê Thị Hoa Thơm, ở thôn Phú Ân, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) bộc bạch: “Em tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn năm 2006, nhưng sau hai năm không xin được việc, em quyết định tiếp tục học lên thạc sĩ. Để có tiền học, em làm thêm đủ việc trong thời gian học tại Đại học khoa học Huế. Ngày đến Sở GD-ĐT nộp đơn xin việc em rất lo, nhưng cũng đầy hy vọng với trình độ học vấn của mình. Khi được Sở GD-ĐT thông báo đến nhận việc em rất mừng, nhưng có lẽ người mừng nhiều hơn chính là mẹ. Ba mất khi em còn nhỏ, mẹ một mình nuôi các con. Nay mẹ đã 68 tuổi, mẹ cầu mong em có việc để đi làm”. Có việc đã mừng, đằng này lại được nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nên Thơm rất xúc động. Thơm nói: “Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm rất lớn. Em sẽ cố gắng giảng dạy tốt để được vào biên chế”.

Từ năm 1992, sinh viên theo học các ngành sư phạm được trường cấp bằng ngay khi tốt nghiệp và được gửi hồ sơ về Sở GD-ĐT của tỉnh nơi sinh viên cư trú. Tuy nhiên, chỗ dạy của sinh viên mới ra trường còn tùy thuộc vào việc thừa - thiếu giáo viên của ngành GD-ĐT địa phương. Thực tế trong những năm qua, sinh viên sư phạm đi xin việc hết năm này qua năm khác mà vẫn không thấy nơi nào thiếu chỉ tiêu đã là chuyện thường ngày. Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Bình quân mỗi năm Sở GD-ĐT nhận từ 300-500 hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng chỉ có 10-20% trong tổng số hồ sơ đã nộp. Năm học này, Sở GD-ĐT Phú Yên thực hiện xét tuyển ưu tiên cho những giáo sinh có trình độ thạc sĩ và giáo sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi và con em gia đình chính sách.

CUNG CAO, CẦU THẤP

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn cấp kinh phí để đào tạo nhóm ngành sư phạm, nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp có được đi dạy hay không lại là một chuyện khác. Hằng năm, nhà nước vẫn đào tạo (có chỉ tiêu) hàng trăm, hàng nghìn giáo viên, nhưng đào tạo cũng chỉ là đào tạo, khi sinh viên ra trường rất khó xin việc. Trường đại học Phú Yên là nơi đào tạo nguồn lực cho ngành sư phạm lớn nhất của tỉnh. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, không ít sinh viên sư phạm của nhà trường tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Chính vì xin việc khó khăn nên trong 5 năm trở lại đây, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không chọn ngành sư phạm để học, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, như miễn giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ gia đình khó khăn... Đa số chỉ có những học sinh trong gia đình nghèo lựa chọn ngành sư phạm để không phải đóng học phí, cha mẹ đỡ vất vả gánh nặng nuôi con ăn học.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm được Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Những năm qua, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Ông Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các trường chứ không phải được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm địa phương và cả nước. Cũng tại hội nghị này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT dựa trên Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cùng với nhu cầu địa phương mà có quy hoạch phát triển nhân lực cho ngành sư phạm, làm cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu cần hình thành các trường phổ thông là vệ tinh của các trường sư phạm để các trường đào tạo sư phạm có sự liên kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục phổ thông.

Sự phát triển các trường sư phạm không được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nhu cầu nhân lực giáo dục dẫn đến một thực tế buồn của ngành GD-ĐT hiện nay là người giỏi không thi vào sư phạm dẫn đến chất lượng người thầy giảm sút, và hệ quả tiếp theo là không đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên sư phạm, nhiều người cho rằng các địa phương cần rà soát lại tình hình thừa, thiếu giáo viên, báo cáo số liệu cụ thể để có kế hoạch tuyển dụng, điều động, phân bổ giáo viên hợp lý; các trường đào tạo ngành sư phạm thống kê cụ thể số liệu sinh viên tốt nghiệp chưa xin được việc làm hoặc phải làm trái nghề. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT phân bổ chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho các trường một cách hợp lý, nhất thiết phải chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan không quan tâm đến nhu cầu thực tế như hiện nay.

Nói về nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh Phú Yên trong những năm đến, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết, sinh viên ra trường không có việc làm là một sự lãng phí rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chưa kể việc nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo đối với sinh viên ngành sư phạm, nên nếu sinh viên ngành này thất nghiệp thì còn là sự lãng phí về chính sách. Hiện nay, nhu cầu giáo viên của ngành GD-ĐT Phú Yên tương đối ổn định, thậm chí có nơi thừa, vì vậy trong ba năm tới nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm của tỉnh sẽ rất hạn chế. Và nếu có thì ngành GD-ĐT sẽ ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi.

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek