Thứ Tư, 16/10/2024 01:24 SA
Xã hội hóa tin học ở Tây Hòa
Chủ Nhật, 10/04/2011 14:00 CH

Ðánh giá về công tác tin học hóa trong nhà trường trong những năm gần đây, Phó Trưởng phòng GD-ÐT huyện Tây Hòa Trần Văn Thành cho rằng, nguồn đầu tư từ xã hội hóa tăng lên đã giúp nhiều trường học trên địa bàn huyện có những phòng máy hiện đại, thu hút học sinh học tập.

 

hoa-dong-110410.jpg

Giờ học Tin học của học sinh Trường tiểu học số 2 Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). - Ảnh: M.DUY

 

ÐƯA TIN HỌC VÀO NHÀ TRƯỜNG

 

Năm học 2010-2011, Trường tiểu học số 2 Hòa Đồng triển khai dạy Tin học trong học sinh. Với 20 máy vi tính kết nối mạng, nhà trường tổ chức dạy Tin học cho gần 400 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Hòa Đồng Lê Bá Phi cho biết: “Theo quy định của ngành GD-ĐT, ở bậc tiểu học, môn Tin học là môn tự chọn, không học nhiều về tin học mà chủ yếu là học về sử dụng máy tính như là công cụ hỗ trợ việc dạy và học. Phương châm của trường chúng tôi là cho học sinh làm quen với máy tính, chơi mà học”. Thầy Phi còn cho biết thêm, từ khi có phòng Tin học, giáo viên của trường ý thức hơn trong việc nâng cao trình độ tin học để ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy các môn khác.

 

Lê Thị Tố Lan, giáo viên dạy Tin học Trường tiểu học số 2 Hòa Đồng thổ lộ: “Từ ngày có phòng máy vi tính, học sinh được học môn Tin học mà các em yêu thích, còn giáo viên của trường có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn bài, thiết kế bài giảng”.

 

Tại nhiều cấp học, phòng máy tính đã trở thành một phần không thể thiếu trong toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất của nhà trường. Thậm chí, nó còn là lợi thế cạnh tranh giữa trường này với trường kia. Thực tế nhiều phụ huynh khi chọn trường cho con em mình đều coi trọng tiêu chí tin học hóa nhà trường. Tuy nhiên, vì đây chỉ là môn học tự chọn đối với bậc tiểu học, THCS nên nhiều địa phương chưa mấy quan tâm. Xác định đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông nhằm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên tự tích hợp công nghệ thông tin vào từng môn học thay vì học trong môn Tin học, những năm gần đây, ngành GD-ĐT huyện Tây Hòa chú trọng đến việc tin học hóa trong nhà trường. Với 100% trường THCS và 4 trường tiểu học có phòng Tin học hiện đại; trên 90% giáo viên có trình độ về tin học; giáo viên các bộ môn chủ động soạn, chọn tài liệu và phần mềm (mã nguồn mở) để giảng dạy ứng dụng CNTT…, Tây Hòa là một trong những địa phương điển hình của tỉnh triển khai hiệu quả phong trào tin học hóa trong nhà trường.

 

HIỆN ÐẠI HÓA TRONG DẠY HỌC

 

Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa Trần Văn Thành cho biết: “Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn cụ thể cho giáo viên các môn học tự triển khai việc tích hợp, lồng ghép sử dụng các công cụ công nghệ thông tin vào quá trình dạy các môn học của mình nhằm tăng cường hiệu quả dạy học qua các phương tiện nghe nhìn, kích thích sự sáng tạo, độc lập suy nghĩ, tăng cường khả năng tự học, tự tìm tòi của người học. Chẳng hạn, giáo viên dạy môn Nhạc cần tự khai thác, trực tiếp sử dụng các phần mềm dạy nhạc phù hợp với nội dung và phương pháp của môn Nhạc, không sử dụng giáo viên tin học soạn chương trình dạy nhạc thay cho giáo viên dạy nhạc. Giáo viên môn Văn có thể tích hợp dạy phương pháp trình bày văn bản. Tương tự như vậy với các môn học khác”.

 

Nhằm xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, thu hút học sinh đến trường và phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, bên cạnh đầu tư phòng máy vi tính, ngành GD-ĐT huyện Tây Hòa đang từng bước trang bị hệ thống dạy học tương tác và kiểm tra đánh giá Activboard cho các trường bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về tin học. Các trường đã trang bị hệ thống dạy học tương tác và kiểm tra đánh giá Activboard có kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra môi trường học tập thân thiện và tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, để phục vụ công tác quản lý và điều hành giáo dục, ngành GD-ĐT huyện trang bị mỗi trường ít nhất hai máy tính, có máy in, webcam và một điện thoại đàm thoại.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa nói: “Thời gian đến, Phòng GD-ĐT huyện tập trung nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin thiết yếu (máy tính, máy in, máy chiếu) cho tất cả các trường học, đặc biệt là các trường vùng khó, trước khi trang bị các thiết bị đắt tiền và ít phổ dụng. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ít nhất có 2 máy tính và thiết bị ngoại vi cho các trường ở vùng khó khăn, các trường mầm non để giáo viên có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, tiếp cận với internet và phục vụ công tác quản lý giáo dục. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho các trường THCS, tiểu học để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tích hợp trực tiếp vào trong các môn học do mình giảng dạy”. Tuy nhiên, ông Hồng cũng lưu ý các trường cần xác định công nghệ thông tin là phương tiện hỗ trợ, nhằm nâng cao chất lượng dạy, học nên hiệu quả của nó phụ thuộc chủ yếu vào cách thức sử dụng của giáo viên. Trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và giảng dạy, giáo viên cần lấy người học làm trung tâm; tập trung hướng dẫn, định hướng cho người học biết tự khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình học tập của bản thân. Giáo viên cần tránh lạm dụng công nghệ thông tin, gây phản tác dụng như không lựa chọn kỹ nội dung trình chiếu, thời gian trình chiếu quá nhiều, trình chiếu với âm thanh ồn ào và với chữ viết có màu sắc lòe loẹt, với chữ chạy nhảy mang tính biểu diễn kỹ thuật không cần thiết.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek