Làm gì và làm như thế nào để thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên nhóm tỉnh tiên tiến trong khu vực và cả nước” là một vấn đề lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến một vấn đề, đó là: về nguồn nhân lực của địa phương.
Như đã biết, nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Một khi chúng ta biết khảo sát, phân tích và sử dụng hiệu quả nhân tố này sẽ là tiền đề hết sức quan trọng cho công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và xã hội thì đến năm 2005, dân số Phú Yên có khoảng 861.130 người. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có thêm 10 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy, so với cả nước, Phú Yên là tỉnh được đánh giá là tỉnh có nguồn nhân lực khá dồi dào. Vấn đề đặt ra là cần phải đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực như thế nào?
Trước hết, cần phải phát huy tối đa vai trò của các trường, trung tâm dạy nghề, trên cơ sở lựa chọn những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo những ngành nghề mới để thích ứng với xu thế phát triển kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, định hướng vấn đề lao động và việc làm cần đặt trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa cung và cầu để có những điều chỉnh hợp lý trong từng giai đoạn và những quy hoạch có chiến lược lâu dài. Như vậy, điều kiện cần thiết là phải tạo lập được mối quan hệ có tính hệ thống giữa cơ quan quản lý nhà nước – người sử dụng lao động – người lao động và cơ sở đào tạo. Kết hợp giữa đào tạo lực lượng lao động với định hướng nghề nghiệp cho người lao động nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực, đồng thời khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong mỗi người lao động.
Ngoài ra, cần chú trọng tổ chức hiệu quả các mô hình xúc tiến lao động và việc làm như: Tổ chức hội chợ việc làm, phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, tích cực triển khai xuất khẩu lao động và giới thiệu lao động cho tỉnh bạn.
Song song với những công việc trên, chúng ta cũng cần có chính sách hợp lý thu hút nguồn nhân lực. Thực tế địa phương thời gian qua việc thu hút nguồn nhân lực cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các lực lượng cử nhân, sau đại học về công tác ở tỉnh chưa đủ hấp dẫn, vẫn còn tình trạng “chảy máu chất xám”.
Chúng ta không sợ thiếu nhân tài, cán bộ giỏi. Vấn đề là ở chỗ phải biết phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ họ để họthực sự có cơ hội đóng góp sức lực và trí tuệ đưa kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, mạnh trong xu thế mở cửa và hội nhập.
HỒ HỒNG
(*) Bài trích từ bài dự thi cuộc thi Tìm hiểu lịch sử tỉnh Phú Yên 395 năm hình thành và phát triển. Đề bài do tòa soạn đặt.