Thứ Bảy, 12/10/2024 05:24 SA
Giáo viên lịch sử “nói không với đọc - chép”
Thứ Bảy, 17/07/2010 14:00 CH

Chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua đọc - chép ở bậc học phổ thông được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT triển khai từ năm học 2009-2010. Đây là chủ trương phù hợp với tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là với các môn xã hội.

 

hoc-su-1100717.gif

Một giờ học Lịch sử ở Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG

 

ĐỌC - CHÉP, VÌ SAO?

 

Đọc - chép là một hoạt động khá phổ biến trong dạy học các môn xã hội nói chung và môn Lịch sử nói riêng. Đôi khi trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn phải đọc cho học sinh chép một đoạn văn, thơ, hay trích dẫn một vài tư liệu… Việc làm đó không có gì là sai, xấu, thậm chí rất cần thiết. Điều đáng nói  là nhiều giáo viên đã lạm dụng đến mức biến nó trở thành một hoạt động thường xuyên, một kiểu dạy học đóng vai trò chủ đạo trong suốt quá trình lên lớp.

 

Cũng có quan niệm cho rằng: Nếu thầy không đọc thì trò không chép (?). Không đọc kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa, thì thầy sẽ nói gì để các em ghi lại và phát triển tư duy? Và nếu dạy tích cực, “nói không với đọc - chép” thì “người học lấy cái gì để thi”? Vì thế, dạy theo kiểu “đọc cái có sẵn cho học sinh chép vào vở” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, khiến công việc của nhiều giáo viên trở nên nhàm chán, không có động lực đổi mới. Thực tế cho thấy, dạy học theo lối đọc - chép đã làm cho việc dạy học trở nên qua loa, đại khái, làm cho học sinh chán học và tất nhiên cũng làm cho giáo viên ngán dạy. Còn với học sinh, dẫu biết rằng phải chép bài của thầy đọc từ sách giáo khoa, cái mà các em có thể tự đọc, là một sự miễn cưỡng. Nhưng biết làm sao, khi thầy yêu cầu trả bài phải đúng, thậm chí đúng nguyên văn những lời thầy đọc. Thầy đọc - trò chép trên lớp, cộng với việc học quá tải liên miên khiến học sinh không đủ thời gian suy ngẫm và tự học, thì lấy đâu ra việc tìm tòi, suy luận để có kiến thức thực sự?

 

Song hành với dạy đọc - chép là cách kiểm tra đánh giá cũng theo lối dạy đọc - chép. Phần lớn mới dừng lại ở yêu cầu ghi nhớ, tái hiện, ít đặt ra yêu cầu kiểm tra đánh giá mức độ thông hiểu bản chất, kỹ năng vận dụng tri thức. Tình trạng này khiến học sinh sa vào học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc để đối phó với việc kiểm tra, đánh giá.

 

CÁCH NÀO KHẮC PHỤC?

 

Để “nói không với đọc - chép”, theo chúng tôi, trước hết đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết với nghề, phải luôn thấy được trách nhiệm đối với học sinh. Cần phải tích cực đầu tư chuyên môn và không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ.

 

Thứ hai, phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc dạy học lịch sử là phải cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, qua đó giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, truyền thống cho học sinh. Nghĩa là phải vừa khai trí, vừa khai tâm cho học sinh. Hai nhiệm vụ này luôn gắn chặt và tương hỗ với nhau. Phải giúp học sinh am tường và biết cách vận dụng những tri thức lịch sử vào cuộc sống.

 

Thứ ba, mỗi phương pháp dạy học có một giá trị riêng, tùy theo nội dung kiến thức và đối tượng mà lựa chọn phương pháp cho phù hợp nhằm tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, khắc sâu kiến thức cơ bản… cho học sinh. Để phát huy tính tích cực của học sinh, phương pháp dạy học nêu vấn đề tỏ ra có ưu thế. Mỗi bài học chứa đựng một số vấn đề cơ bản của lịch sử, bằng sự hiểu biết của mình, giáo viên nêu vấn đề, tổ chức cho học sinh giải quyết.

 

Thứ tư, biết khai thác tốt phương tiện dạy học. Cùng với sự kết hợp các phương pháp, phương tiện trực quan và kỹ thuật sẽ góp phần đẩy lùi hiện tượng “đọc - chép” một cách có hiệu quả. Các phương tiện trực quan sẽ giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu và tiếp thu nhanh nội dung bài học.

 

Thứ năm, tạo ra mô hình dạy học, trong đó học sinh có điều kiện trao đổi với thầy với bạn, sẽ phát huy tốt tính tích cực, chủ động của học sinh, giúp học sinh vươn lên chiếm lĩnh tri thức. Học sinh sẽ chỉ ghi nhớ, nắm vững được những gì đã trải qua trong hoạt động nhận thức tích cực của mình, trong đó các em phải có những cố gắng trí tuệ và khát vọng học tập. Thay đổi mô hình dạy học cho phù hợp với kiểu loại bài là một yêu cầu không thể thiếu được. Nó vừa phát huy tốt ưu thế của bộ môn, vừa tạo được sự hấp dẫn, hứng thú đối với học sinh.

 

Thứ sáu, khả năng vận dụng tri thức đã học vào cuộc sống là cái đích của việc dạy học bộ môn. Khả năng đó có được từ nghệ thuật truyền dạy và tổ chức rèn luyện của giáo viên cho học sinh. Học lịch sử mà không liên hệ được thực tế, không làm bài tập thực hành, sẽ không thể nào có được năng lực vận dụng, và như vậy sự học trở nên vô bổ.

 

Thứ bảy, đổi mới phong cách dạy học phải đi liền với thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá. Giáo viên phải biết trăn trở, lựa chọn hình thức và nội dung kiểm tra để đánh giá đúng thực lực học sinh, đồng thời tự kiểm tra năng lực giảng dạy của mình một cách chính xác. Phải hết sức nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá thì mới tạo được sự chuyển biến về chất lượng đào tạo và mới có thể “Nói không với tiêu cực trong thi cử”.

 

    Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HIỆP NGỌC

(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek