Thứ Hai, 14/10/2024 11:24 SA
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010:
Nhiều lựa chọn cho thí sinh
Thứ Tư, 07/04/2010 18:00 CH

Có những ngành học ở nhiều trường đại học, cao đẳng điểm chuẩn chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn 1-2 điểm. Nếu học lực ở mức trung bình và biết chọn lựa ngành phù hợp, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển.

 

thi-sinh-100407.jpg

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2010 tại Sở GD-ĐT Phú Yên - Ảnh: M.THÚY

 

RỘNG ĐẦU VÀO

 

Trong thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực để phân luồng học sinh sau trung học nhằm giúp học sinh chọn ngành học phù hợp với sở thích, sở trường, tuy nhiên hiệu quả chưa thật sự đạt như mong muốn. Nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi trên chỉ tiêu và điểm chuẩn của năm trước, dẫn đến tâm lý “né” những ngành có tỉ lệ đăng ký và điểm chuẩn cao, bỏ qua cơ hội vào đại học với ngành phù hợp với mình. Tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2010 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Báo Phú Yên, Sở GD – ĐT Phú Yên, phó giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: Các ngành sư phạm kỹ thuật điện - điện tử, sư phạm kỹ thuật điện công nghiệp, sư phạm kỹ thuật cơ khí chế tạo máy, sư phạm kỹ thuật cơ khí động lực… điểm chuẩn chỉ ở mức 14. Lợi thế của các ngành học này là khi ra trường, sinh viên vừa được cấp bằng kỹ sư, vừa được cấp chứng chỉ sư phạm bậc 2, do vậy cơ hội việc làm rất rộng mở.

 

Những năm gần đây, các ngành kinh tế thường có sự cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tại một số trường, điểm chuẩn ngành học này tương đối thuận lợi cho thí sinh có học lực trung bình. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ba năm liên tiếp gần đây, các ngành kinh tế nông lâm, kinh tế tài nguyên môi trường, kinh doanh nông nghiệp điểm chuẩn chỉ 14 điểm. Các chuyên gia tư vấn còn cho biết, các ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, vật lý kỹ thuật, công nghệ dệt may… đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng trong năm 2009 các ngành học này tuyển không đủ chỉ tiêu, dù điểm trúng tuyển của những ngành học này không quá cao.

 

Cùng một ngành, nhưng có nhiều trường đào tạo với mức điểm đầu vào rất khác nhau, vì vậy học sinh phải hiểu rõ thực lực của mình để chọn trường phù hợp. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), để xác định năng lực học tập, học sinh có thể dựa vào kết quả học tập bậc THPT hoặc thử giải đề thi tuyển sinh đại học… Tuy nhiên, học sinh cũng không nên quá bi quan nếu kết quả học tập còn thấp so với mặt bằng điểm của các năm trước, bởi nếu đã xác định được mục tiêu cũng như sở thích, năng lực học tập của mình rồi, điều quan trọng là nếu có quyết tâm và kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ đạt được mục tiêu.

 

“SO BÓ ĐŨA CHỌN CỘT CỜ”

 

Ông Trần Đức Phúc, chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết, qua kết quả tuyển sinh từ khi tuyển sinh theo phương thức “ba chung” đến nay, chúng ta có thể phân thành 3 loại học sinh khi dự thi đại học, cao đẳng. Học sinh học rất giỏi, tự tin thi đỗ bất cứ trường nào và học sinh học kém, chỉ chọn ngành thấp nhất hoặc thi cao đẳng; còn loại “top giữa” là học sinh có lực học thi được khoảng 20 – 23 điểm nên các đối tượng học sinh này cần có lựa chọn hợp lý để không thi trượt. Thực tế các năm trước cho thấy có không ít thí sinh có điểm thi khá cao nhưng không trúng tuyển vào một trường đại học nào.

 

Lâu nay, rất nhiều thí sinh quan tâm đến tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi và điểm chuẩn của năm trước để làm cơ sở cho việc chọn ngành, trường. Thực chất học sinh đã xác định năng lực của mình rất chủ quan do điểm chuẩn của các năm trước được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Theo ông Phúc, trước khi đặt bút khai hồ sơ đăng ký dự thi, học sinh cần căn cứ vào điều kiện năng lực của bản thân, căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình, vào lời khuyên của thầy cô giáo, đầu ra sau khi tốt nghiệp rồi mới thận trọng khai hồ sơ bởi có nộp nhiều hồ sơ nhưng đến khi thi học sinh cũng chỉ chọn được một giấy báo để thi.

 

Đối với những học sinh hoàn cảnh kinh tế gia đình hạn chế và học lực trung bình, các chuyên gia tư vấn khuyên nên chọn những trường gần nhà để thi nhằm giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở, nên chọn ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Hiện nay, các trường trung cấp chuyên nghiệp thường tổ chức tuyển sinh đào tạo và giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cho học sinh có nhu cầu tìm việc làm, đây là cơ hội rất thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và lực học bình thường. 

 

Mặc dù thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng sắp kết thúc nhưng đến nay, Sở GD – ĐT Phú Yên mới chỉ nhận được khoảng 300 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do, trong khi đó các năm trước đến thời điểm này đã có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Theo ông Phúc, năm nay tình trạng thí sinh “rải” nhiều hồ sơ đã giảm hẳn. Điều này cho thấy học sinh đã thực tế hơn trong việc chọn ngành, trường đăng ký dự thi.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek