Thứ Năm, 16/01/2025 23:59 CH
Các tổ chức quốc tế khuyên Việt Nam điều chỉnh hai điều về giáo dục
Thứ Tư, 02/12/2020 11:22 SA

Tinh thần phản biện, sự độc lập, tự tin trước giáo viên đang là điểm yếu của giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Giáo dục Việt Nam được đánh giá cao nhưng có hai điều các tổ chức quốc tế khuyên Việt Nam: Thứ nhất là thực học, thứ hai là phản biện.

 

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 1/12, tại Hà Nội.

 

Phối hợp điều chỉnh trong và ngoài nhà trường

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, kết quả giáo dục của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận với việc xếp thứ nhất trong số 6 nước khu vực Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Phillipines) về các kỹ năng đọc hiểu, viết và toán học ở bậc tiểu học. Kết quả đánh giá PISA ở bậc trung học năm 2018 cho thấy học sinh Việt Nam xếp thứ 13 về đọc hiểu, xếp thứ 24 về toán học và thứ 4 về khoa học trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

 

Theo Phó Thủ tướng, quốc tế đánh giá giáo dục Việt Nam có rất nhiều điểm tốt, nhưng có hai điều các tổ chức quốc tế khuyên và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép vào chương trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

 

Thứ nhất là thực học. Truyền thống khoa bảng của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung là rất đáng quý, nhưng nếu có không điều chỉnh sẽ dễ thiên về chủ nghĩa bằng cấp. Vì thế giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội phải từng bước nâng cao học những gì thiết thực nhất cho cuộc sống, để có nền tảng chuẩn bị cho tương lai mà không cần bằng cấp.


Thứ hai, điểm mạnh nhất của dân tộc Á Đông là hiếu học, chịu thương chịu khó, chịu áp lực học tập từ thuở bé, nhưng điểm cần điều chỉnh là với tư tưởng tôn sư trọng đạo, từ bé đã được huấn luyện tiếp thu một chiều, ít khi dám hỏi khi chưa hiểu, dám bày tỏ ý kiến của mình.

 

Về điều này, trong chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Bộ GD-ĐT đã chuyển từ giáo dục từ tiếp thu một chiều sang có trao đổi giữa học sinh và giáo viên, phát huy năng lực của học sinh.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường sẽ có điều kiện đi trước một bước để thực hiện các điều chỉnh trên. Phong trào khuyến học khuyến tài không chỉ là công tác bổ trợ mà thực sự gần như là một bộ phận có mối liên hệ khăng khít với giáo dục trong nhà trường.

 

Không đi ngược với thế giới

 

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của công tác khuyến học ngoài nhà trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Khi gặp các tổ chức quốc tế tôi rất tự hào khi được nói với họ rằng Hội Khuyến học Việt Nam có trên 21 triệu thành viên, lan tỏa đến tận từng ngóc ngách thôn xóm. Vào buổi tối, ở một số nơi hiện vẫn có tiếng kẻng, tiếng trống vang lên, người lớn giục trẻ em ngồi vào bàn học. Tất cả các chuyên gia, tổ chức quốc tế khi nghe điều đó đều nói rằng đó là cái phúc của đất nước ta”.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay không một quốc gia nào mà học sinh khi rời nhà trường rồi về đến nhà nhìn thấy bố mẹ lại nghĩ ngay đến việc học vì chính bố mẹ cũng đặt ra một yêu cầu là mình phải kèm con học bài.

 

“Điều này nếu chúng ta không có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp thì là không phù hợp với thế giới vì sẽ làm cho trẻ em bị áp lực học tập quá nặng mà bớt đi thời gian để vui chơi. Nhưng cũng không nên nhìn đơn thuần một phía như vậy vì tất cả các tổ chức quốc tế đều cho rằng việc duy trì một áp lực cần thiết cho trẻ em khi đi học là tốt. Việc các bậc cha mẹ của Việt Nam tự coi mình như một giáo viên ở nhà, nếu có hướng dẫn đúng mực về liều lượng và phương pháp thì đấy chính là điểm lợi của giáo dục Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

 

Bên cạnh việc giáo dục tri thức, Phó Thủ tướng cho rằng giáo dục ngoài nhà trường cũng cấn chú trọng về giáo dục đạo đức, lao động để cùng với Bộ GD-ĐT đẩy mạnh hơn việc dạy làm người cho học sinh.

 

Ví dụ trước đây học sinh phải sinh trường lớp, thậm chí tham gia lao động, nhưng sau đó hoạt động này không được chú trọng. Học sinh, nhất là ở thành thị, không tham gia vệ sinh trường lớp, không tham gia lao động, dẫn đến rất nhiều cơ sở giáo dục xây dựng mới khang trang nhưng không được vệ sinh sạch sẽ. Từ khi thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành giáo dục đã cố gắng đổi mới rất nhiều vấn đề này như nhấn mạnh việc vệ sinh trường lớp, lao động, sinh hoạt tập thể, nhưng nhiều cha mẹ có phần thương con nên chưa ủng hộ.

 

Theo đó, Phó Thủ tướng cho hay ông rất mong sẽ được sự ủng hộ của toàn dân đồng hành cùng ngành giáo dục trong vấn đề này. “Năm điều Bác Hồ dạy ai cũng thuộc, trong đó Bác đã chỉ rõ phải biết yêu lao động”, Phó Thủ tướng chốt lại.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek