Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các trường học bán trú, nội trú còn chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho học sinh. Các bếp ăn phải sạch sẽ, suất ăn luôn bảo đảm vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, giúp học sinh nâng cao sức khỏe.
Giám sát chặt chẽ
Gần 10 năm qua, Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) thực hiện mô hình bán trú cho học sinh nhà trường. Toàn trường hiện có 16 lớp với 551 học sinh, trong đó có 12 lớp bán trú với 397 em. Những năm qua, ngoài đẩy mạnh phong trào dạy và học, nhà trường luôn chú trọng công tác vệ sinh ATTP cho học sinh bán trú. Theo cô Đặng Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị ký hợp đồng với siêu thị Co.opmart Tuy Hòa cung cấp thực phẩm vào mỗi buổi sáng để cấp dưỡng chế biến các món ăn bảo đảm ATTP cho học sinh.
Mỗi ngày, đúng 10 giờ sáng, cấp dưỡng đã bày phần ăn trên bàn và học sinh bước vào bàn ăn. Sau đó, 11 giờ các em ngủ trưa. Đúng 13 giờ, các em được đánh thức, vệ sinh cá nhân và dùng bữa ăn nhẹ trước khi vào học tiết đầu tiên lúc 14 giờ.
Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Trường tiểu học Kim Đồng bố trí mỗi lớp học một bảo mẫu cùng giáo viên chủ nhiệm lo bữa ăn trưa cho các em; đồng thời có người trải chăn, gối cho các em ngủ trưa. Đối với bữa ăn xế, một tuần các em có hai bữa mặn gồm: cháo, súp, bánh canh, bún, phở… thay đổi luân phiên và ba bữa uống sữa.
“Nhà trường ký hợp đồng với bên cung ứng thực phẩm với các điều khoản chặt chẽ, mỗi ngày trường cử cán bộ kiểm tra từng mặt hàng bảo đảm tươi ngon đúng thực đơn yêu cầu, nếu không đạt chất lượng thì bắt buộc đổi trả. Ngoài ra, nhà trường còn quản lý quy trình chế biến các món ăn, theo dõi các cháu có ăn hết phần ăn, hợp khẩu vị không để kịp thời điều chỉnh và lưu mẫu thức ăn theo quy định…”, cô Đặng Thị Thanh nói.
Trường mầm non Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) có 3 điểm trường thôn Phú Xuân B, thôn Suối Mây và thôn Phú Hội. Toàn trường có 258 cháu ở độ tuổi từ 3-5 tuổi và 100% học bán trú. Mỗi ngày trẻ được ăn hai bữa theo thực đơn thay đổi để bảo đảm sự phong phú, đủ dinh dưỡng theo yêu cầu.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện mô hình trẻ ăn bán trú, nhà trường đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp theo quy trình bếp một chiều; đồng thời tuyển 4 cấp dưỡng có trình độ trung cấp nấu ăn và luôn kiểm tra các khâu để đảm bảo ATTP và sức khỏe của trẻ.
Chu đáo bữa ăn cho học sinh dân tộc nội trú
Nhiều năm qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng tổ chức cung cấp hai bữa ăn trưa và chiều/ngày cho học sinh toàn trường. Cô Tô Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhiều năm trước, nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh. Vài năm gần đây do giảm biên chế, trường chuyển sang hợp đồng cấp dưỡng nhưng không hiệu quả. Năm học 2020-2021, nhà trường chuyển sang hợp đồng với một nhà cung cấp ở TP Tuy Hòa; mỗi ngày họ mang thực phẩm đến bếp ăn tại trường để chế biến món ăn cho học sinh. Thực đơn mỗi bữa ăn/ngày gồm 3-4 món, trong đó có cả trái cây”.
Hiện Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh có 302 học sinh ở nội trú. Ngoài việc được chu cấp chi phí ăn ở, học tập, mỗi tháng các em còn được nhận hơn 1 triệu đồng tiền hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Để bảo đảm đủ dinh dưỡng và có bữa ăn ngon, mỗi em đóng góp thêm 29.500 đồng/ngày, sau khi trừ tiền ăn, nhà trường chi trả cho các em.
Em Long Thị Hoài Thanh, lớp 12B, nói: “Ở nội trú chúng em rất thoải mái và được chăm lo từng bữa ăn. Chúng em chỉ lo học và được các thầy cô dạy bảo nhiệt tình, hướng dẫn chi tiết từng nội dung bài học. Buổi tối từ 19-22 giờ, chúng em tập trung học bài nên dễ dàng trao đổi những bài toán khó, hoàn thành tốt các bài học cho ngày hôm sau”.
“Nhờ học nội trú, nhà trường có nhiều thời gian bồi dưỡng cho học sinh. Ban đêm, mặc dù nhà trường không bắt buộc, các thầy cô giáo vẫn đến lớp phụ đạo, bồi dưỡng cho các em học yếu. Từ năm 2017 đến nay, nhà trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao. Năm học 2019-2020, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT; trong đó 95/103 học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học, nhiều em có điểm rất cao đã trúng tuyển các trường đại học quốc gia”, cô Tô Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Toàn tỉnh hiện có 3/94 trường tiểu học bán trú và 109/132 trường mầm non bán trú. Ngoài ra, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường phổ thông Duy Tân cũng tổ chức bán trú, nội trú cho học sinh nhà trường.
Để bảo đảm bữa ăn ATTP cho học sinh bán trú, nội trú, mới đây Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục.
Sở đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm tra ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy trình; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín, nước đun sôi… Theo đó, các trường thực hiện rất tốt, góp phần bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú cho học sinh. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái |
TRUNG HIẾU