Những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các trường phổ thông đặc biệt quan tâm nhằm đưa học sinh đến gần với thực tiễn cuộc sống. Mỗi chuyến trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em học sinh có được những bài học vô cùng sinh động, giúp ích cho công việc học tập.
Trăm nghe không bằng mắt thấy
Thay bằng giờ giảng giúp học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai thì một số trường THPT trên địa bàn tỉnh lựa chọn cách cho học sinh đi trải nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng.
Thầy Lê Thành Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, vài năm gần đây, năm nào nhà trường cũng phối hợp với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Trường đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế công tác đào tạo tại hai trường này. Tại đây, học sinh được tham quan trang thiết bị dạy học, xưởng thực hành và được giới thiệu cụ thể, chi tiết về ngành nghề đào tạo.
“Việc đưa học sinh đến trường đại học, cao đẳng trải nghiệm thực tế nằm trong chương trình hướng nghiệp của nhà trường; với mong muốn giúp các em có cái nhìn trực quan, cũng như trải nghiệm phần nào cuộc sống sinh viên. Từ đó, hình thành những suy nghĩ về nghề nghiệp trong các em”, thầy Phương nhấn mạnh. Còn đối với học sinh, từ những chuyến đi trải nghiệm này các em có thêm kiến thức ngành nghề và có thêm lựa chọn của mình trong tương lai.
Trước đây, để tổ chức trải nghiệm thực tế cho học sinh là một việc làm rất khó khăn đối với các nhà trường vì liên quan đến nhiều yếu tố như kinh phí, thời gian, lực lượng. Những năm gần đây, nhờ sự linh hoạt nên các trường đại học, cao đẳng đã chủ động phối hợp với các trường THPT tổ chức các chương trình trải nghiệp thực tế khá hiệu quả. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, chia sẻ: Năm 2019, nhà trường tiếp tục phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 10, 11, 12 tại cơ sở đào tạo.
Tăng giáo dục thực tiễn
Bộ GD-ĐT vừa công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 27 môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình phổ thông.
Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông được chia theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản: mỗi học sinh bước đầu xác định được sở trường và chuẩn bị một số năng lực cơ bản của người lao động và người công dân có trách nhiệm.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: tiếp tục phát triển những phẩm chất và năng lực đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.
“Hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn; qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và các năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các năng lực chung hình thành và phát triển trong hoạt động trải nghiệm được thể hiện dưới các hình thức đặc thù: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp”, ông Luyện cho biết thêm.
Dù hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không phải môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Đặc biệt, xuyên suốt 12 khối lớp, chương trình đều hướng đến những nội dung mang tính mở. Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra các mục tiêu, yêu cầu cần đạt và một số gợi ý về nội dung tổ chức. Khi đưa vào thực hiện, các trường có thể dựa vào điều kiện thực tế xây dựng những nội dung triển khai cụ thể. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng vì xã hội thực sự quan tâm và hy vọng vào sự đổi mới này khi mà con trẻ thiếu rất nhiều kỹ năng sống và ý thức xã hội chưa cao.
THÚY HẰNG