Điểm mới đáng lưu ý trong công tác thanh tra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là: Các sở GD-ĐT bố trí lực lượng thanh tra cắm chốt thanh tra độc lập đối với các điểm thi.
Đây là thông tin vừa được Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng chia sẻ với báo chí trước thềm kỳ thi. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra bộ để tìm hiểu rõ hơn về điểm mới này.
- Thưa ông, chỉ còn hai ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ chính thức diễn ra. Ông có thể cho biết đến thời điểm này, công tác thanh tra thi đã được Thanh tra bộ chuẩn bị như thế nào?
- Để đảm bảo cho kỳ thi khách quan, nghiêm túc, công bằng thì thanh tra là một trong những công tác quan trọng. Xác định được điều này nên việc thanh tra thi đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo lên kế hoạch từ rất sớm. Trước hết bộ đã có văn bản hướng dẫn các sở sở giáo dục và đào tạo tổ chức công tác thanh tra từ tháng 4/2018.
Bộ cũng đã tổ chức tập huấn công tác thanh tra cho lãnh đạo và Chánh thanh tra các sở giáo dục và đào tạo để thống nhất nhận thức về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Bộ cũng cử các đoàn kiểm tra công tác tổ chức thi tại các địa phương.
Việc thanh tra được phân tuyến rõ để tránh chồng chéo, Thanh tra bộ có quyền thanh tra tất cả các hội đồng thi, ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị thi đến coi thi, chấm thi. Thanh tra của các sở cắm chốt ở tất cả các điểm thi. Ngoài ra còn có lực lượng thanh tra lưu động của bộ và của các sở để kịp thời thanh tra các điểm nóng. Bộ và các sở cũng có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh từ thí sinh và người dân.
- So với năm 2017, công tác thanh tra năm nay có điểm gì mới, thưa ông?
- Bộ đã chỉ đạo các sở bố trí lực lượng thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi. Thanh tra cắm chốt chịu sự chỉ đạo của giám đốc sở. Năm nay, mỗi điểm có hai thanh tra cắm chốt trong đó có một cán bộ của sở và một cán bộ của trường đại học phối hợp. Thanh tra cắm chốt có quyền giám sát, thanh tra tất cả các đối tượng, các hoạt động ở điểm thi, từ điểm trưởng trở xuống. Cả nước có 2.144 điểm thi, như vậy cả nước có gần 4.300 thanh tra cắm chốt.
Bên cạnh lực lượng thanh tra cắm chốt, theo quy định, tối thiểu 7 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát. Những nơi có các phòng thi cách xa nhau thì có thể 5 phòng, hoặc thậm chí 4 phòng thi một giám sát. Cán bộ giám sát là người giám sát giám thị để đảm bảo giám thị coi thi nghiêm túc. Giám sát có thể đề nghị thay giám thị nếu thấy có biểu hiện không đảm bảo công tác coi thi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thi cử thì giám thị là người có vai trò quyết định đến sự nghiêm túc. Một phòng có 24 thí sinh, một giám thị quan sát từ trên xuống, một giám thị quan sát ở dưới lên trên thì mọi hành vi bất thường của thí sinh tôi cho là giám thị đều nhìn thấy. Vì thế, nếu giám thị nghiêm túc thì phòng thi sẽ nghiêm túc.
- Với lực lượng thanh tra, giám sát như vậy, theo ông, có giúp hạn chế những tiêu cực trong thi cử?
- Vấn đề gian lận trong thi cử là vấn đề chúng ta không mong muốn nhưng kỳ thi có số lượng thí sinh lớn nên năm nào cũng có, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới cũng như vậy. Tinh thần là chú trọng cả phòng cả chống. Giám thị tăng cường nhắc nhở thí sinh từng buổi và giám sát chặt chẽ khi gọi thí sinh vào phòng thi thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Còn khi đã xảy ra rồi thì bình tĩnh xử lý đúng quy chế, cần thiết thì phối hợp với lực lượng công an xử lý nhanh.
Trong điều kiện công nghệ kỹ thuật cao như hiện nay, thiết bị dùng vào việc gian lận được ngụy trang bằng nhiều cách, hình thức gian lận cũng phức tạp, tinh vi. Ví dụ năm 2017 thanh tra Bộ đã phát hiện trường hợp thí sinh mang máy tính vào phòng thi nhưng vỏ là máy tính, bên trong là camera, thiết bị ghi âm, ghi hình. Thí sinh thậm chí cải trang các thiết bị điện tử dưới dạng thẻ ATM, dùng tai nghe không dây. Năm ngoái, tại Quảng Nam, chúng tôi từng phát hiện trường hợp thí sinh đeo tai nghe nhỏ như hạt đậu, phải dùng nam châm hút ra.
Năm nay, chúng tôi đã phối hợp với A83 và công an các địa phương, chỉ đạo vào cuộc quyết liệt. Tuy thiết bị tinh vi nhưng không phải là không thể phát hiện. Khi sử dụng các thiết bị đó thì người sử dụng sẽ có dấu hiệu không bình thường. Ví dụ, muốn chuyển đề ra ngoài thì thí sinh phải cầm máy tính nâng cao lên để chụp đề thi; hoặc thí sinh đọc đề ra ngoài thì sẽ có biểu hiện như thí sinh lẩm nhẩm thành tiếng.
Thí sinh gian lận thì thái độ cũng sẽ khác, có các biểu hiện như lấm la lấm lét... Vì thế, nếu giám thị quan sát kỹ thì có thể nhìn thấy ngay. Chống gian lận thi cử thì vai trò số một là của giám thị.
Xác định vai trò có tính quyết định của giám thị trong đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, chúng tôi đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phải tập huấn thật kỹ các giám thị. Trước ngày thi, điểm thi phải họp giám thị và nhắc lại quy chế. Trước khi thi từng buổi, giám thị cũng cần nhắc nhở lại cho thí sinh.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnam+