Để khắc phục tình trạng học sinh, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, các trường đại học, cao đẳng đang chuyển dần từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển. Theo đó, các cơ sở đào tạo tập trung vào việc lấy người học làm mục tiêu đào tạo, trang bị những thứ họ cần và thị trường lao động đang cần.
Lấy người học làm trung tâm
Những năm gần đây, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều và cũng có không ít sinh viên ra trường làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Sự dư thừa về lao động có trình độ đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về kế hoạch đào tạo của các cơ sở đào tạo.
BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên cho biết, khoảng cách giữa đào tạo nhân lực trong các cơ sở giáo dục với yêu cầu của thị trường lao động là quá xa, vì vậy việc đổi mới chương trình, nội dung học phần là cần thiết. Để khắc phục tình trạng này, 3 năm nay, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên quyết tâm đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện ở những thay đổi về nội dung chương trình đào tạo, về đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên; đã có khá nhiều hội thảo khoa học về vấn đề dạy và học được tổ chức tại trường.
Việc đổi mới nhìn chung đều đi theo hướng chương trình đạt chuẩn quốc tế, nội dung liên thông, cập nhật, cắt bỏ những phần trùng lặp, tăng các môn học tự chọn, giảm thời gian lên lớp, tăng giờ thực hành, giờ tự học, chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ...
Đặc biệt, để tăng tính trải nghiệm thực tế cho sinh viên, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đưa sinh viên ngành Điều dưỡng đến bệnh viện này thực tập. Được thực tập trong môi trường bệnh viện chuyên nghiệp, chất lượng cao như Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, người học có cơ hội học tập, rèn luyện tay nghề cũng như thái độ, kỹ năng phục vụ người bệnh nên sinh viên rất vững vàng tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu công việc của một điều dưỡng.
Đối với các trường đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, việc tạo điều kiện cho sinh viên học đi đôi với hành càng cần thiết hơn. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, chia sẻ: Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm là phương pháp tích cực trong hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Để tránh tình trạng sinh viên thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, ngay từ đầu, nhà trường luôn đặt việc chuyên môn hóa và kỹ năng làm việc của người học lên hàng đầu nhằm đáp ứng được yêu cầu nhân lực trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo thầy Trạm, để làm được điều này, trong quá trình đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy, nhà trường còn tham khảo ý kiến doanh nghiệp - nơi tiếp nhận sản phẩm đầu ra để có thay đổi phù hợp.
Khẳng định về tính hiệu quả khi lấy người học làm trung tâm, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói: “Cùng với những giải pháp từ xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giảng dạy, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung xem sự tham gia của lực lượng bên ngoài vào quá trình đánh giá người học cũng là một cách để các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động sau này. Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá sản phẩm đào tạo của nhà trường trên cơ sở thống nhất nội dung và cách thức vận hành. Đây là hướng tiếp cận cho kết quả khảo sát thực tế, giúp người làm quản lý đào tạo dễ dàng điều chỉnh chương trình, phương pháp và cách thức thực hiện”.
Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thị trường
Trước mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT giao các trường khi xây dựng chương trình phải điều tra khảo sát nhu cầu của thị trường đối với ngành mà mình định mở. Khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải cân đối quy mô đào tạo của các ngành nghề, cũng như nhu cầu sử dụng lao động để xác định quy mô đào tạo tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải trường nào cũng thực hiện được điều này. Chính sự vênh giữa cung và cầu này làm cho bài toán về chất lượng nguồn nhân lực cho đến nay vẫn còn khá nan giải.
Mặc dù cho đến nay chưa có một cuộc điều tra chính thức nào được công bố về việc chất lượng đào tạo đã cải thiện được bao nhiêu sau những năm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhưng tất cả các giảng viên đều biết rõ rằng chất lượng đào tạo của không ít trường vẫn còn thấp do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. “Đối với quản lý đào tạo, chương trình chậm đổi mới và có một thời gian dài chúng ta cũng chưa xây dựng được khung đào tạo chương trình quốc gia để các trường xây dựng chuẩn đầu ra theo mặt bằng khu vực giúp sinh viên ra trường có tính cạnh tranh.
Chúng ta cũng chậm kiểm định, chậm xếp hạng các chương trình đào tạo của các trường nên tính cạnh tranh trong đào tạo không cao. Những năm gần đây, để tăng tính cạnh tranh cũng như thu hút được người học, các trường phải “tự đổi mới” cho chính trường mình để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu của thị trường và góp phần giải quyết tốt khâu đầu ra cho người học”, lãnh đạo một trường đại học chia sẻ.
Theo các trường, với phương châm lấy người học làm mục tiêu đào tạo, phương pháp đào tạo được thực hiện linh hoạt, chương trình có thể điều chỉnh thời lượng với các ngành nghề đặc thù. Chẳng hạn như trong đào tạo học sinh, sinh viên các ngành kỹ thuật thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tích hợp.
Trong đó đảm bảo có một nhóm môn học được đào tạo chuyên sâu, mang tính chủ đạo và các môn nhánh gắn liền với từng môn chuyên sâu hình thành cây kiến thức liên hoàn. Những kỹ năng bổ trợ cho nghề nghiệp như ngoại ngữ và tin học cũng được đào tạo chuyên sâu. Nhờ vậy, người lao động mới thích ứng được với ngành nghề đào tạo sau khi ra trường và có khả năng học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề.
THÚY HẰNG