Thứ Bảy, 30/11/2024 09:35 SA
Mô hình trường học mới:
Hay nhưng khó nhân rộng
Thứ Tư, 22/06/2016 08:20 SA

Dạy học theo mô hình Trường học mới tại Trường tiểu học Hòa Quang 4 - Ảnh: H.MY

Qua gần 4 năm triển khai thí điểm ở cấp tiểu học và 1 năm thực hiện thí điểm ở cấp THCS tại Phú Yên, mô hình Trường học mới (VNEN) đang dần khẳng định ưu thế, tạo bước đột phá trong giảng dạy. Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng mô hình này trong những năm học tới còn nhiều khó khăn.

 

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

 

Năm học 2015-2016, Trường tiểu học Hòa Quang 4 (huyện Phú Hòa) có 246 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 được học theo mô hình VNEN. Nhớ lại thời điểm cách đây 4 năm, khi trường được chọn là một trong chín trường tiểu học tổ chức dạy thí điểm mô hình, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Quang Khương cho biết: Học sinh của trường ở vùng nông thôn nên kỹ năng còn nhiều hạn chế, chưa mạnh dạn chia sẻ những ý kiến của mình trong khi giáo viên còn bỡ ngỡ, lúng túng trong cách thức tổ chức dạy - học. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp thu phương pháp mới từ các lớp tập huấn, đồng thời tìm tòi, học tập thêm kinh nghiệm, chúng tôi đã vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học kiểu mới, giúp học sinh tự tin và biết cách tự học. Khi vào tiết học, không cần nhắc nhở các em cũng biết mình cần làm gì, làm như thế nào theo 10 bước học tập. Hội đồng tự quản đã biết cách điều hành lớp, chia sẻ, trao đổi kết quả học tập. Sau 4 năm thực hiện mô hình mới, học sinh đã dạn dĩ, tích cực trong giờ học, không khí lớp học trở nên thân thiện, vui vẻ, nhờ đó chất lượng dạy học của trường được nâng lên.

 

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, qua 4 năm triển khai thí điểm, mô hình VNEN đã cho thấy tín hiệu khả quan về chất lượng giáo dục ở địa phương. So với cách học truyền thống, cách học theo mô hình VNEN đã tạo sự chuyển biến tích cực từ giáo viên đến học sinh. Đây là sự đổi mới toàn diện các hoạt động sư phạm trong nhà trường, gồm: hoạt động dạy - học, tổ chức lớp học, đánh giá học sinh, sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng. Cô Trần Thị Kim Thủy, giáo viên Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), một trong năm cá nhân được Sở GD-ĐT Phú Yên đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm mô hình VNEN, chia sẻ: “Tham gia dạy học theo mô hình VNEN, tôi và nhiều giáo viên khác đã có sự thay đổi trong tư duy dạy học theo hướng hiện đại. Thay vì giữ thói quen giảng giải, thuyết trình, tôi tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh, giúp các em tự trải nghiệm và chiếm lĩnh tri thức. Dạy theo mô hình VNEN, tôi luôn cố gắng thực hiện tốt 5 bước giảng dạy khi lên lớp; phân loại đối tượng học sinh để kịp thời giúp đỡ; linh hoạt điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng; thực hiện ghi chép nhật ký cụ thể ở mỗi bài dạy để rút kinh nghiệm”.

 

Trưởng Phòng GD-ĐT TX Sông Cầu Lê Minh Thơ cho rằng: Rất dễ dàng nhận thấy học sinh khi được học theo mô hình VNEN tự tin hơn trong giao tiếp và trong các hoạt động giáo dục. Học sinh được tương tác với các bạn trong nhóm; tự đánh giá quá trình học tập của bản thân. Nhiều em khẳng định được kỹ năng điều hành trong hoạt động nhóm, kỹ năng hợp tác được rèn luyện qua các hoạt động… Đáng chú ý, trong mô hình Trường học mới, sự tương tác giữa gia đình - nhà trường - xã hội được chú trọng. Cha mẹ học sinh và cộng đồng có trách nhiệm tham gia và hỗ trợ tích cực các hoạt động giáo dục của nhà trường...

 

KHÓ TRIỂN KHAI RỘNG

 

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng việc triển khai mở rộng mô hình VNEN đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, khó khăn lớn nhất mà ngành Giáo dục đang gặp phải là thiếu cơ sở vật chất. Việc thực hiện mô hình VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng. Hơn nữa, hiện nay phòng học chưa đủ rộng để sắp xếp theo mô hình. Theo thầy Nguyễn Quang Khương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Quang 4, mô hình VNEN chỉ phù hợp với những lớp học có sĩ số học sinh ít, trong khi đó, nhiều lớp học hiện nay rơi vào “quá tải”. Ngoài ra, nhiều phòng học cũ không đúng quy cách và đang xuống cấp; phần lớn số bàn ghế học sinh tiểu học đang sử dụng hiện nay là loại 2 chỗ ngồi, đóng dính vào nhau nên khi thực hiện mô hình VNEN học sinh khó di chuyển, sắp xếp lớp theo nhóm.

 

Ông Nguyễn Bảo Hòa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên) nêu một khó khăn khác là chương trình học của khối lớp 6 có 13 môn, nhưng theo mô hình VNEN thì chỉ có 8 môn. Vì vậy, việc sắp xếp giáo viên dạy sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, học sinh theo mô hình VNEN có sách giáo khoa riêng, nên tài liệu tham khảo hiện chưa đáp ứng được việc dạy học. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang phương pháp học tập tích cực, học sinh tự tìm tòi học tập là chính, giáo viên bước đầu còn bỡ ngỡ, hiệu quả chưa cao. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, khả năng giao tiếp và vốn tiếng Việt còn hạn chế nên hình thức tự học, tự nghiên cứu, học nhóm theo mô hình VNEN còn lúng túng. Ngoài ra, cách tự học theo nhóm, giáo viên phải di chuyển nhiều, không thể tập trung cho từng nhóm nên có học sinh làm việc riêng, ỷ lại vào nhóm trưởng. Mặt khác, đây là mô hình dạy học mới trong khi các giáo viên lớn tuổi chưa có sự thay đổi nhiều về phương pháp giảng dạy, còn phụ huynh học sinh chưa quen trong việc hướng dẫn học sinh học tập tại nhà nên phần hoạt động ứng dụng về nhà của học sinh chưa được hỗ trợ kịp thời…

 

Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 1.135 học sinh của 58 lớp 2 và 3 tham gia dự án VNEN. Đến năm học 2015-2016, cả tỉnh có 102 lớp 2, 3, 4, 5 với 2.564 học sinh và 10 lớp 6 với 323 học sinh của 18 trường thuộc 9 huyện, thị, thành phố được học theo mô hình này. Có thể nói mô hình VNEN là một trong những bước tiến quan trọng của giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo hướng chuyển tiếp cận giáo dục từ trọng tâm cung cấp kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Mặc dù dự án chính thức kết thúc vào cuối năm 2015-2016, nhưng ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì thực hiện mô hình VNEN trong những năm học tới. Để mô hình này thực sự mang lại hiệu quả, cần có cộng đồng trách nhiệm là sự vào cuộc đồng bộ của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội.

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek