Thứ Bảy, 05/10/2024 14:28 CH
Để giáo dục - đào tạo Phú Yên đổi mới và hội nhập thành công 
Thứ Năm, 30/04/2015 07:00 SA

Tận tụy với học sinh là nét đẹp của đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh - Ảnh: M.THÚY

Lịch sử giáo dục của nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách gắn liền với lịch sử chiến đấu giải phóng dân tộc. Mỗi cuộc cải cách đều làm tròn sứ mạng lịch sử của mình. 

 

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (năm 1950) là cuộc cách mạng chuyển từ nền giáo dục thực dân cũ của Pháp sang nền giáo dục cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình là đã đào tạo nên lớp chiến sĩ kiên cường, anh dũng trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng được một nửa đất nước.

 

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (năm 1956) là xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, đào tạo nên thế hệ thanh niên hăng hái xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đội hùng binh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, giải phóng miền Nam để giang sơn Việt Nam được thu về một mối.

  

Cuộc cải cách giáo dục lần 3 (năm 1976) là hoàn thành công cuộc xây dựng và cải tạo 2 năm giáo dục của 2 miền thành một hệ thống giáo dục cách mạng thống nhất trong cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

70 năm từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, 40 năm từ ngày giải phóng đất nước, nền giáo dục cách mạng của cả nước, cũng như sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà có những bước tiến khổng lồ và vẻ vang.

 

 KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI

  

Ngày nay cục diện thế giới đã có nhiều đổi thay to lớn. Do yêu cầu của công cuộc CNH, HĐH đất nước, từ năm 2013, Đảng ta quyết định phải tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, thực chất là cuộc cải cách giáo dục lần thứ 4, nhằm đào tạo một thế hệ người Việt Nam mới, có đủ phẩm chất, năng lực, tâm lực, trí lực, thể lực đủ sức gánh vác công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ta giàu mạnh, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

  

Muốn phát triển và hội nhập vào thế giới văn minh thành công tất yếu phải đổi mới giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện. Nghị quyết 29 của Đảng như tấm gương soi, như ánh sáng dẫn đường, như một bản thiết kế toàn cảnh của một tổng công trình sư cho một nền giáo dục tương lai, hiện đại, khoa học, đầy trí tuệ, thấm nhuần sâu sắc tính nhân văn, tính Đảng của bao thế hệ người Cộng sản Việt Nam trong 85 năm qua, mà người sáng lập là vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm cho thế hệ con cháu chúng ta hôm nay.

  

Vấn đề tiên quyết là đổi mới tư duy đối với công tác giáo dục, lấy việc nghiên cứu, học tập thấm nhuần và triển khai một cách nghiêm túc, đầy đủ, cụ thể của địa phương trong toàn Đảng, toàn dân, trong hệ thống chính trị của Đảng, trong hệ thống chính quyền địa phương, mà lực lượng nòng cốt là đông đảo đội ngũ các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh. Nó sẽ trở thành sức mạnh cực kỳ to lớn để biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực của cuộc sống.

 

 Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục không phải là việc làm lại tất cả. Muốn “canh tân” tất phải “ôn cố”. Những thành tựu của ngành Giáo dục tỉnh nhà trong 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, trong đó có hơn 25 năm tái lập tỉnh và đổi mới giáo dục đã hình thành một thế hệ thanh thiếu niên học sinh mới đang trưởng thành, đầy sức sống tuổi trẻ, đang hăng hái tích cực đóng góp trên tất cả các trận tuyến lao động, bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương. Đó chính là kết quả của sự kiên trì đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ trở thành những “công dân tốt, lao động tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt” mà Bác Hồ luôn căn dặn. Chính là Đảng ta đã chuẩn bị một lực lượng thanh niên “phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất năng lực công dân” để phát triển và hội nhập.

  

Hiện nay đang có một quan điểm là nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo “người công dân toàn cầu”. Trên nhiều diễn đàn khoa học ,tôi đã bác bỏ khái niệm này. Đó là một khái niệm mơ hồ, không có nội hàm xác định, dễ gây lẫn lộn về quan điểm chính trị, một sự sùng ngoại, thiếu ý thức công dân. Trong lịch sử các chế độ xã hội loài người, trước kia chỉ có người nô lệ, thần dân, thảo dân… Khái niệm công dân chỉ xuất hiện khi quốc gia xuất hiện. Mà quốc gia và dân tộc là phạm trù vĩnh cửu. Trong Nghị quyết 29, Đảng nhiều lần nhắc lại việc hình thành ý thức công dân Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, với đậm đà bản sắc dân tộc, có trình độ, năng lực khoa học tầm cỡ quốc tế để có thể làm việc bất cứ ở đâu trong thời kỳ hội nhập này với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc sâu sắc, luôn hướng về Tổ quốc, khát khao góp phần phụng sự dân tộc. 

 

Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Phú Yên thực hành - Ảnh: T.HẰNG

 

TỪ AO NHÀ RA BIỂN LỚN

  

Mới đây, tôi bất ngờ được đón tiếp nữ Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Nhất Tú, người mà nhà báo Thúy Hằng đã có bài viết trên Báo Phú Yên là “Cô gái làng cát thành danh trên đất Mỹ”. Tú là học sinh lớp 12 Trường Nguyễn Huệ từ ngày tái lập tỉnh, con của một gia đình nghèo, nhưng với lòng ham học và quyết tâm hiếm thấy đã vượt qua bao nhiên gian khổ, vừa làm, vừa học. Tú chân tình chia sẻ: “Em biết ung thư là một bệnh nan y, phức tạp. Y học thế giới chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng em đã chọn khoa học này. Em ước mong theo thời gian, cùng với sự phát triển của đất nước, sự trưởng thành của bản thân, em có cơ hội để góp phần bé nhỏ của mình vào nền khoa học của nước nhà. Em khát khao nâng tầm khoa học Việt trên trường quốc tế!”.

  

Đề tài thông tin khoa học “Tiến sĩ Phú Yên” do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Phú Yên thực hiện mới đi được nửa chặng đường nhưng cũng đã hình dung ra được rằng đội ngũ cán bộ khoa học bậc cao tỉnh nhà tuy không được đông và nhiều như ở các trung tâm kinh tế - xã hội lớn trong nước, song cũng là một tài sản vô cùng quý giá… Hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang làm việc trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhiều người đạt chức vị cao, danh tiếng thuộc đủ các loại hình khoa học được đào tạo từ nhiều nguồn phong phú, thuộc 3 thế hệ, trước năm 1954, từ 1954 đến 1975 và từ 1975 - ngày thống nhất đất nước đến nay, đang kế tục bổ sung cho nhau nói lên sự phát triển về chất lượng của nền giáo dục tỉnh nhà, nhất là đội ngũ trí thức trẻ đang được đào tạo và phát triển nhanh chóng. Trường hợp của Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Nhất Tú không phải là hiếm mà đang có nhiều hứa hẹn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, Phú Yên đang sở hữu 33 tiến sĩ, 605 thạc sĩ. Điều đó nói lên sự phát triển tốt đẹp và một lực lượng hội nhập đầy sức sống nếu biết quy tụ, phát huy một cách khoa học với những chính sách thiết thực, cụ thể, mềm dẻo và chân thành.

  

Khái niệm phát triển và hội nhập cần được nhận thức một cách biện chứng và cụ thể. Muốn phát triển thì phải hội nhập và hội nhập để phát triển. Phát triển và hội nhập ở nhiều cấp độ. Sự phát triển ngày nay đòi hỏi ở chất lượng sản phẩm, ở năng suất lao động, ở tốc độ và hiệu quả. Hội nhập không chỉ là sự quy tụ, tập hợp thống kê đơn thuần, nặng về khai thác mà cao hơn chính là ở sự hòa nhập, hợp tác chân thành, tôn trọng lẫn nhau, cộng hưởng lẫn nhau. Hợp tác từ hệ thống ngang, hợp tác ở hệ thống dọc, hợp tác giữa các cá nhân trí thức, giữa các đơn vị khoa học, đơn vị trường học, các cấp học, giữa trường học và xã hội và mở rộng ra là hội nhập quốc tế, tùy theo sức của mình nhưng với tinh thần là phải vươn xa từ ao nhà ra biển lớn. 

 

Để biến Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của Đảng thành hiện thực, lãnh đạo ngành Giáo dục phải là tư lệnh của cuộc trường chinh đầy gian lao và vẻ vang này. Lãnh đạo Sở Giáo dục phải xốc lại đội ngũ của mình, phải tập hợp các lực lượng giáo dục trong tỉnh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, đặc biệt là phải vực dậy, làm thức dậy Hội Khoa học Tâm lý - giáo dục. Hiện nay, tỉnh nhà đang có một số lượng là 33 tiến sĩ, 605 thạc sĩ về tâm lý học, giáo dục học, quản lý giáo dục, giáo dục học bộ môn - một số lượng đồ sộ và đang còn tiếp tục phát triển nữa. Họ cần được tự khẳng định mình là một nhà khoa học của một khoa học cơ bản trong thế giới hiện đại, chứ không chỉ đơn thuần là một giáo viên đạt chuẩn hay trên chuẩn. Nhà tâm lý giáo dục phải vượt lên chính mình, vượt ra khỏi trang giáo án, những tiết dạy trội giờ để đưa khoa học tâm lý giáo dục vào cuộc sống, vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc xây dựng nông thôn mới, với biết bao biến thái dữ dội trong đời sống tâm lý, đời sống giáo dục của dân chúng. Và như thế chính là công cuộc hội nhập rộng lớn nhất, toàn diện nhất của giáo dục, nhất là đối với trường đại học, cao đẳng. Đó là nơi kiểm nghiệm chất lượng về các khuyến nghị được trình ra trong luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ của mình. Và cũng từ hội nhập cộng đồng tỉnh nhà, chúng ta tiến lên hội nhập trong nước và trên trường quốc tế. 

 

NGƯT. TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek