Thứ Bảy, 05/10/2024 22:25 CH
Học lực trung bình vẫn có nhiều lựa chọn
Chủ Nhật, 29/03/2015 08:18 SA

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Chương trình Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người Lao Động tổ chức - Ảnh: T.HẰNG

Đối với học sinh có học lực khá, giỏi, việc lựa chọn ngành nghề sẽ dễ dàng hơn so với học sinh trung bình. Tuy nhiên, với kỳ thi “2 trong 1” như năm nay, học sinh có sức học trung bình vẫn có nhiều lựa chọn.

 

NÉ TRƯỜNG TỐP TRÊN

 

Tại Chương trình Tư vấn mùa thi 2015 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Đông Hòa), câu hỏi của em Lê Thị Thanh Thúy được nhiều học sinh đồng tình: “Em có học lực trung bình. Vậy nên thi vào ngành nào là vừa sức?”. Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên, trao đổi: Sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia, các em đều biết mức điểm của bản thân trước khi nộp đơn xét tuyển vào các trường. Khi đó, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cũng sẽ dự kiến mức điểm xét tuyển cho từng ngành và thông báo cho học sinh. Do đó, các em nên xem xét, cân nhắc việc nộp hồ sơ vào ngành tương ứng với số điểm của mình. Nếu điểm thi cao, các em yên tâm chọn các trường đại học quốc gia, học viện và ĐH công lập. Nếu không chắc chắn lắm về khả năng trúng tuyển vào các trường ĐH tốp trên, các em có thể nhắm đến các trường ĐH ở tốp giữa, trường ĐH địa phương, hệ CĐ trong các trường ĐH công lập, các trường CĐ trung ương và địa phương.

 

Năm nay, ngoài xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một số trường ĐH có uy tín còn kết hợp xét tuyển từ học bạ. Vì vậy, các em phải tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển của các trường để tham gia xét tuyển.

 

Nói thêm về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, khuyên rằng thông thường ngành dễ đậu được hiểu là ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên, điểm chuẩn cũng chỉ là yếu tố tham khảo, còn chính khả năng, thực lực của thí sinh mới là yếu tố quyết định. Chọn đúng ngành yêu thích, đúng trường vừa sức, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn, kể cả các ngành “hot”. Thực tế, những năm qua cho thấy, hàng năm có hơn 40% trong tổng số thí sinh dự thi ĐH, CĐ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế. Điều này đồng nghĩa thí sinh phải cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên, ở nhóm ngành này, sự phân bố điểm chuẩn giữa các trường rất chênh lệch. Hầu hết các trường ĐH địa phương đều có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn. Trong khi đó các ĐH vùng và các trường ĐH tại các thành phố lớn lại có điểm chuẩn cao. Vậy nhưng vẫn có nhiều thí sinh muốn dự thi vào các trường tốp đầu dù biết năng lực của mình khó đạt được.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Đông Hòa) đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Chương trình Tư vấn mùa thi 2015 do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: M.THÚY

 

CHỌN NGÀNH TƯƠNG ỨNG VỚI SỐ ĐIỂM

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, bậc THPT có trên 60% học sinh có học lực trung bình. Nếu việc lựa chọn đối với học sinh có học lực khá, giỏi là dựa trên sở thích, sở trường, năng lực thì đối với các học sinh có học lực trung bình, điều kiện tiên quyết vẫn là năng lực học tập. Theo các chuyên gia tư vấn, để đánh giá chính xác năng lực học tập của mình, các em nên xem xét điểm trung bình của tất cả các môn học trong năm học THPT cũng như điểm thi tốt nghiệp, để trên cơ sở đó có hướng chọn ngành, chọn trường cho mình.

 

“Thưa thầy, khi chọn ngành dự thi thì em nên dựa vào các yếu tố nào?”, em Phạm Lê Thu Thảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi với các thành viên ban tư vấn tại Chương trình Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người Lao Động tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính kế toán bày tỏ: Chọn ngành, chọn trường chính là chọn lấy một nghề để lập thân, lập nghiệp. Nếu em đam mê và có năng khiếu về văn hóa, xã hội thì nên đăng ký nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn; nếu em có khả năng về kỹ thuật, máy móc thì nên chọn nhóm ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ - kỹ thuật; nếu em thích kinh doanh thì nên chọn các nhóm ngành Kinh tế… Sau khi xác định được sở thích, các em căn cứ vào số điểm mình đạt được để chọn ngành, chọn trường có điểm chuẩn phù hợp.

 

Các chuyên gia tư vấn lưu ý, để trở thành sinh viên là không dễ dàng nếu các em chọn “bừa” ngành học và trường học không phù hợp với lực học của mình. Để tránh rủi ro, các em cũng nên so sánh, đối chiếu về chất lượng đầu vào giữa các trường cũng như giữa cùng một ngành ở những trường cùng đào tạo, qua đó lựa chọn ngành phù hợp nhất với năng lực học tập của mình.

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek