Thứ Bảy, 05/10/2024 10:18 SA
Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn: Chậm vì đâu?
Thứ Ba, 10/04/2007 07:00 SA

Phú Yên hiện có 125 trường mầm non. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đến năm 2010, toàn tỉnh phấn đấu có 30% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD - ĐT) thì kế hoạch này khó đạt được. Bởi hiện nay, các trường mầm non đang gặp nhiều bế tắc về cơ sở vật chất và hạn chế về trình độ giáo viên.

 

070409-mam-non.jpg

Cơ sở vật chất hạn chế là một trong những lý do làm chậm việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn ở Phú Yên – Ảnh: M.THÚY

 

Việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được ngành giáo dục triển khai từ rất lâu nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 4 trường được công nhận đạt chuẩn, chậm so với các tỉnh, thành  phố trong cả nước.

 

THÔN HỌP THÌ... LỚP NGHỈ

 

Nguyên nhân đầu tiên là cơ sở vật chất không đủ tiêu chuẩn. So với các bậc học thì bậc học mầm non chịu thiệt thòi hơn cả về cơ sở vật chất. Nhiều lớp học còn phải mượn tạm trụ sở thôn, nhà rông hoặc học ghép với tiểu học. Tại thôn Phước Thịnh, xã Hoà Bình 2 (huyện Tây Hoà), trẻ mẫu giáo phải ngồi học trong trụ sở thôn. Những hôm thôn họp thì lớp nghỉ. Trường lớp như thế nên khó có thể dạy tốt, học tốt được. Bà Đinh Thị Quyên, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Tây Hoàø, cho biết: “Trường lớp mầm non trải khắp tất cả các thôn để tạo điều kiện cho trẻ ra lớp. Tuy nhiên, do phòng học không đảm bảo nên chất lượng dạy và học chưa cao. Hạn chế này đã kéo theo nhiều tiêu chuẩn khác của nhiệm vụ  xây dựng trường chuẩn cũng khó đạt”.

 

Phú Yên hiện có 5.428 phòng học, trong đó có 1.567 phòng học kiên cố (chiếm 28,9%), tranh tre tạm bợ: 164 phòng (chiếm 3,1%). Phần lớn phòng học tạm bợ này thuộc trường, lớp mầm non, nhất là các trường mầm non dân lập, bán công ở các vùng nông thôn, miền núi. Đây là nguyên nhân làm việc tổ chức lớp bán trú đối với trẻ nông thôn, miền núi chưa thực hiện được. Bà Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo bán công Hoà Bình 2, bày tỏ: “Theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, các trường thuộc khu vực nông thôn được chia thành 2 loại hình: loại hình trường tập trung tại một điểm và trường nhiều địa điểm. Với loại hình trường tập trung tại một điểm thì phải tổ chức ăn bán trú, còn trường nhiều địa điểm thì chỉ tổ chức bán trú ở điểm chính. Tiêu chí này đến nay hầu như chưa có trường mầm non nào ở khu vực nông thôn thực hiện được”. Bà Định giải thích: Lớp bán trú đòi hỏi cơ sở vật chất phải đi kèm. Đằng này, chỗ học cho các em còn khó thì làm sao mở lớp bán trú như tiêu chuẩn mà bộ đề ra.

 

CHỖ NÀO CŨNG KHỔ!

 

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phải hội đủ 5 tiêu chuẩn: tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; thực hiện xã hội hoá giáo dục. Trong đó, đối với trường mầm non nông thôn, có ít nhất 90% tổng số giáo viên đạt trình độ chuẩn (tốt nghiệp THSP mầm non) trở lên, 30% cán bộ, giáo viên đạt lao động giỏi; trường lớp đặt nơi trung tâm dân cư, môi trường trong sạch, tối thiểu 10m2/1 trẻ, có phòng chức năng, nhà bếp, sân chơi và trang thiết bị dạy học; 95% trẻ 5 tuổi ra lớp, 30% trẻ ở các độ tuổi khác (cả nhà trẻ và mẫu giáo) ra lớp. Kết quả chăm sóc giáo dục trẻ hàng năm đạt 80% sức khoẻ kênh A, không có trẻ kênh C, 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đối với trường mầm non ở thành thị, yêu cầu về trình độ cán bộ giáo viên cao hơn, có ít nhất 50% giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; về chăm sóc đạt 98% trẻ cân nặng kênh A; cơ sở vật chất của trường xây dựng kiên cố, các phòng sinh hoạt và học tập của trẻ đảm bảo các điều kiện vệ sinh, có đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo tiêu chuẩn trường trọng điểm. Đặc biệt trường mầm non thành thị phải có khu vực nhà bếp phục vụ trẻ bán trú xây dựng theo quy trình một chiều…

Đối với các trường mầm non thuộc khu vực thành thị, bên cạnh cơ sở vật chất, nan giải nhất hiện nay là trình độ giáo viên. Theo quy định, giáo viên mầm non chỉ cần đạt trình độ THSP được xem là đạt chuẩn. Nhưng để công nhận trường đạt chuẩn thì các trường thành thị phải có ít nhất 50% giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non (trên chuẩn). Đây chính là thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ giáo viên. Bởi cho đến thời điểm này, chế độ hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên không còn được ngành bao cấp như trước nữa. Vì vậy, giáo viên nào muốn nâng chuẩn thì phải tự túc đi học.

 

Đối với các trường mầm non công lập, kinh phí có Nhà nước lo, chỉ cần các trường nỗ lực xã hội hoá giáo dục là có thể khắc phục được khó khăn trên. Tuy nhiên, số trường mầm non công lập hiện nay của Phú Yên không nhiều, chỉ có 32 trường, trong đó có đến 20 trường thuộc các xã đặc biệt khó khăn vừa được chuyển đổi từ dân lập sang công lập. 20 trường này chưa được trang bị gì cả. Cơ sở vật chất như vậy nên không biết đến bao giờ các trường có cơ hội đạt chuẩn.

 

Đối với các trường bán công, dân lập, kinh phí hoạt động cũng rất hạn chế, chủ yếu lấy từ 3 nguồn: Kinh phí do tỉnh, huyện cấp, thu học phí và trích từ ngân sách xã, thị trấn. Theo quyết định của UBND tỉnh, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị lấy từ ngân sách xã, huy động sự đóng góp của nhân dân, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương. Cô Dương Thị Sương, giáo viên Trường mẫu giáo dân lập Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Học phí mỗi học sinh chỉ có 5.000 đồng/tháng (ở loại hình trường dân lập). Trong số tiền thu từ học phí, nhà trường chỉ được trích 30% để chi cho tất cả các hoạt động dạy học. Như vậy, biết đến bao giờ chúng tôi mới giảng dạy đạt hiệu quả cao theo yêu cầu của ngành?”

 

So với trước đây thì chương trình dạy và học ở bậc học mầm non đã khác nhiều. Các em đến trường không chỉ có hát, múa mà còn được học những kiến thức cơ bản, làm quen với chữ viết, con số, văn học, âm nhạc, môi trường xung quanh…  Cơ sở vật chất hạn chế không chỉ làm hạn chế quyền được chăm sóc, giáo dục của các em mà còn dẫn đến những bất lợi trong quá trình xây dựng trường chuẩn. Đã đến lúc, các ngành, các cấp cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của bậc học vỡ lòng này, để tạo đà cho những bậc học tiếp theo phát triển vững chắc.

 

THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek