Thứ Ba, 15/10/2024 19:23 CH
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:
Thông qua Luật Khoa học và công nghệ
Thứ Tư, 19/06/2013 07:55 SA

* Bổ sung 10 dự án luật vào chương trình toàn khóa

Chiều 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ với hơn 87,75% đại biểu tán thành.

Theo đó, luật quy định rõ nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) là xây dựng lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hóa, khoa học của thế giới.

Nâng cao năng lực KH-CN để làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; kịp thời dự báo, phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tiếp thu thành tựu KH-CN của thế giới để tạo ra, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới; tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; phát triển nền KH-CN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận với trình độ thế giới, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh việc phổ biến và ứng dụng thành tựu KH-CN vào sản xuất và đời sống.

Đối với nguyên tắc hoạt động KH-CN phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH-CN.

Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về KH-CN kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước; trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ với ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; gắn nhiệm vụ phát triển KH-CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức.

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động KH-CN như lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả KH-CN.

Tiết lộ tài liệu, kết quả KH-CN thuộc danh mục bí mật Nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động KH-CN và cản trở hoạt động KH-CN hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, cũng quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH-CN Việt Nam.

* Trước đó, sáng 18/6, Với 447 phiếu tán thành (chiếm 89,76%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII 10 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính; Luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Cũng theo nghị quyết này, bổ sung vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Quốc hội cũng nhất trí rút khỏi Chương trình năm 2013 các dự án: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược... Bổ sung vào Chương trình năm 2013 dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

* Cũng trong buổi sáng 18/6, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, thời gian qua, lãng phí thời gian, tiền của đã được nhắc nhiều và vẫn diễn ra khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) cho rằng, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn về mức độ như thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý trách nhiệm thế nào và cần quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, trong dự thảo luật sửa đổi, các hành vi vi phạm đều có cách xử lý giống nhau như giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị có một chương riêng về xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể.

“Để chống lãng phí hiệu quả, một trong các điều kiện quy định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nghiêm trọng thì phải xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại biểu Trần Văn Tấn nói.

Cũng theo lý giải của đại biểu, nếu chế tài chỉ theo hướng đặt ra, nhưng chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên, trong sử dụng lao động, thời gian lao động...

Dự kiến, dự án luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay.

N.TRƯỜNG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek